Trước đây, tôi quen thân với cả "đàng trai" và "đàng gái" của một cặp. Cậu em cao ráo lịch lãm giỏi giang, cô gái nhẹ nhàng nữ tính mặn mà chăm chỉ, đều đang độc thân. Tôi thấy hai em rất hợp nên kết nối họ với nhau.
Các cụ nói: “Trên đời có bốn cái ngu: làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu” nên dù đã rất tin vào cảm giác và lý lẽ của mình, nhưng sau buổi hẹn đầu tiên của đôi bạn trẻ, tôi vẫn gọi điện thoại hồi hộp hỏi cô gái xem tình hình thế nào.
Rồi sau đó họ yêu nhau, cưới nhau. Thi thoảng cuối tuần cha con tôi đến chơi cùng đôi vợ chồng trẻ và cậu con trai kháu khỉnh đang học lớp mầm. Lúc có thời gian vẫn tranh thủ hỏi chuyện cô vợ, nhiều khi mải lặt rau hay sắp cơm mời cha con tôi ăn, nhưng em vẫn hồ hởi trò chuyện, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc: "Anh ấy chẳng chấp em bao giờ. Vợ chồng có gì bất đồng mà em cao giọng là anh ấy thường im lặng lánh đi, đợi em hết nóng rồi mới bảo vợ ngồi xuống tâm sự. Đôi khi em biết em sai, em phải chủ động bắt chuyện anh ấy trước. Em mang bầu thằng cu, lúc thử ra hai vạch, anh ấy vui nghẹn ngào cả đêm trằn trọc không ngủ. Lần khám thai nào cũng đích thân đưa vợ đi khám mới yên tâm. Có lần mải vui ngồi nhậu với bạn, sắp đến giờ khám cuống cuồng chạy về, xe trượt ngã trầy cả tay".
Nghe chuyện, tôi vui quá, trêu cô em: “Vậy là nhất cô còn gì!”.
"Thực ra em quý mến nhà em ngay từ buổi đầu vì vẻ nam tính, đĩnh đạc. Chứ em muộn chồng, bố mẹ em cứ sợ ế, do em thấy không hợp lắm với các bạn trai bây giờ. Trông họ cứ bóng sáng quá, quần áo tóc tai giầy tất toàn đồ hiệu sạch sẽ chỉn chu, đôi khi dùng cả son phấn, nhưng lười nhác, đùn đẩy công việc. Rồi một thời còn rộ lên phong trào “chia tay đòi quà” làm em sợ quá!" - cô em tủm tỉm cười.
Tôi cũng sợ, đôi khi thấy bàng hoàng (tại sao con người ta giờ đây lại ra nông nỗi), thấy xấu hổ (vì tôi cũng là giới nam). Từ bé, là con trai độc nhất trong nhà nên tôi đã được bố mẹ giáo dục cẩn thận, chỉ sợ: “Có 10 thì tốt, có một không nên thân”.
Bé chưa biết gì thì đôi khi giận cha mẹ nghiêm khắc quá, lớn lên mới thấy giá trị và thầm cảm ơn cha mẹ đã trang bị cho mình “hành trang” để có thể đương đầu với những thử thách khi “làm trai đứng ở trong trời đất”.
Giờ đây tôi là cha của bé gái đang học tiểu học, bạn bè hay trêu: “Mỗi lần Bamby đi với ba, thấy cô bé yên bình và cực kỳ thư giãn, cứ như kiểu mình đang trong vòng tay của một con sư tử nên chẳng có gì trong khu rừng đáng sợ”.
Thực ra tôi quan niệm, nam tính không nhất thiết phải cao to đẹp trai, râu tóc nhiều, uống rượu mạnh, hút xì gà, đi xe phân khối lớn. Có được cái nheo mắt đầy chất xi-nê lãng tử như Nguyễn Chánh Tín khi mặc áo choàng bước đi trong rừng cao su, nụ cười đầy khinh mạn của Thương Tín hay vẻ vững chãi uy nghiêm của Trần Lực trên màn bạc thì tốt. Nhưng đại đa số chúng ta là người thường, không phải ngôi sao nên đã là đàn ông thì nên ý thức được mình cần nam tính. Như vũ trụ có dương có âm, thời gian có ngày có đêm, bầu trời có sáng có tối.
Một cô gái được thu hút bởi vẻ nữ tính, yêu kiều, mềm mại, dịu dàng thì một chàng trai cũng sẽ gây ấn tượng mạnh với vẻ đĩnh đạc, đường hoàng, tự tin và nói năng khúc chiết. Một người đàn ông sống có ích cho xã hội, có trách nhiệm với gia đình, yêu thương vợ con, hòa nhã cùng đồng nghiệp bạn bè, dám làm dám chịu, dám đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống - đó chính là người đàn ông đầy nam tính mà gia đình, tập thể nào cũng cần và cô gái nào cũng mong muốn được song hành suốt đời.
Theo phụ nữ TPHCM