leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Có rất nhiều cuộc ly hôn kết thúc vì những lý do khác nhau và cách ứng xử trong mỗi câu chuyện cũng sẽ khác nhau rất nhiều. Thế nhưng, tôi nghĩ người phụ nữ nào cũng mong có thể nhận được cách đối đãi tử tế từ người đàn ông.

Đa phần sau khi ly hôn, phụ nữ thường gánh trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng con cái. Phải là người trải qua điều đó mới có thể thấu hiểu hết những nỗi vất vả. Con đau ốm, người mẹ phải cân bằng giữa việc kiếm tiền nuôi con và chăm sóc con. Đó là chưa kể nếu bản thân cô ấy đau ốm, ai sẽ là người lo lắng cho đứa trẻ?

Không ít phụ nữ còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm hay phát triển bản thân khi nhiều nhà tuyển dụng không thích một người bận con nhỏ không thể đi công tác xa.

Thế nên, là một người đàn ông không phải nuôi con cái, bạn được “rảnh tay rảnh chân” để đi làm, đi chơi, hẹn hò, bắt đầu lại cuộc sống mới dễ dàng hơn. Mỗi tháng, bạn có chu cấp nuôi con thì cũng được xem là có trách nhiệm. Thế nhưng, trách nhiệm đó không là gì so với những vất vả mà người phụ nữ từng là của bạn phải gánh khi đồng hành cùng con.

Khi ba mẹ tôi chia tay lúc tôi 4 tuổi, dù ba đi làm cách nhà chỉ 1km nhưng ông chưa từng cố gắng gặp gỡ chúng tôi. Suốt thời thơ ấu, tôi luôn chứng kiến sự vất vả của mẹ trong việc kiếm tiền, dạy dỗ chúng tôi cũng như những tổn thương bà phải mang trên hành trình đó. Vai trò của ba vô cùng nhạt nhòa trong cuộc đời chúng tôi. Có lẽ vì vậy mà tôi đã mang những suy nghĩ tiêu cực về ông.

Tôi luôn dằn vặt bởi nhiều câu hỏi. Tại sao ông lại hành xử như thế? Dù giữa ông và mẹ tôi có vấn đề gì thì tôi là con ông, sao ông không yêu thương và có trách nhiệm với máu mủ của mình, sao ông có thể xem như tôi chưa từng tồn tại?...

Sau này, khi trưởng thành, trải nghiệm nhiều hơn, tôi mới nhận ra thế giới này không chỉ mình ba tôi như vậy. Có nhiều người đàn ông đứt gãy mối quan hệ với vợ là cắt đứt luôn với con. Bởi lẽ có nhiều người không thể vượt qua được cảm xúc hận thù, giận dữ hoặc cũng có khi là sự bất lực, tự ti với vợ cũ. Có người thì đơn giản đã vui duyên mới. Về đứa trẻ trong cuộc hôn nhân cũ, họ xem như không còn liên đới đến cuộc đời mình. Và nó nghiễm nhiên thuộc về trách nhiệm của người phụ nữ đã tạo ra nó.

Họ không hề biết (và không quan tâm) đến việc đứa trẻ sẽ cảm thấy tổn thương như thế nào. Tôi từng là người rất thiếu niềm tin vào tình yêu, hôn nhân cũng như luôn có một sự ác cảm dành cho “đàn ông” thay vì chấp nhận và bao dung với họ. Tất cả cũng là vì hình ảnh ba tôi đã để lại cho tôi nhiều sự tiêu cực. Dẫu có thể ông gặp những vướng mắc tâm lý riêng mà tôi không hiểu được hết, nhưng việc bỏ đi biền biệt và không thăm hỏi con đã để lại nhiều vấn đề hơn là ông tưởng.

Tôi nghĩ rằng, không cần đàn ông phải hành xử như chồng của bạn tôi - “nuôi” vợ cũ khi cô ấy gặp tai nạn lao động - mà chỉ cần họ cố gắng giữ mối quan hệ lành mạnh với gia đình cũ.

Dù 2 người kết thúc vì lý do gì, hãy tự chữa lành cho bản thân, sau đó nghĩ về đứa trẻ mà mình đã góp phần tạo ra. Có thể bạn không có nhiều tiền để lo cho con, nhưng chỉ cần bạn và mẹ của con ngừng việc trách cứ, đổ lỗi lẫn nhau cũng đã góp phần tạo ra sự lành mạnh về tâm hồn cho con. Hay chỉ cần bạn hỏi thăm, có sự tương tác với con, đứa trẻ cũng sẽ cảm nhận mình được nuôi dưỡng trong tình yêu thương. Nó biết rằng ba vẫn đồng hành trong cuộc đời, nó không phải là một đứa trẻ “bị bỏ rơi”.

Ta làm sao có thể ép người khác có trách nhiệm yêu thương? Thực ra, nếu yêu thương sẽ có trách nhiệm và mỗi người phải tự bồi đắp cho bản thân năng lực biết yêu thương thì mới có thể hành xử đúng mực.

Theo phụ nữ TPHCM