Hình như bà nào cũng muốn quản chồng.

Thực ra, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để đúc kết những câu đại loại như thế, bởi từ khi lấy vợ đến nay là 25 năm, tôi chưa có “diễm phúc” lấy thêm bà nào. Nhưng từ cuộc sống hôn nhân của mình, rồi nhìn thấy và nghe các quý ông, quý bà mình quen biết than thở về chồng, về vợ, tôi thấy rất nhiều bà cứ muốn quản chồng về mọi mặt.

Trong sâu xa, có vẻ như bà nào cũng nghĩ chồng mình chưa trưởng thành. Họ coi chồng như con, muốn bắt chồng răm rắp làm theo ý mình, không hiểu tự do cá nhân là gì cả. 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
 

Trong những thứ mà các bà vợ muốn quản và muốn sắp đặt, có lẽ tiền là thứ mà họ lấn cấn thường trực nếu không được như ý muốn. Gì kỳ vậy? Thế sao bà không làm ngược lại đi? Cứ đưa tiền cho tôi giữ, tôi tính toán thu chi, bảo tồn, phục dựng còn kỹ hơn bà nữa chứ ở đó mà… Đừng quên đây kế toán trưởng ở công ty nhá.

Tôi biết vì sao các bà xem việc nhận và giữ tiền của chồng là đương nhiên. Thứ nhất, đó là do truyền thống. Xưa nay đều vậy mà. Thứ hai là do các bà lo rằng chồng sẽ sinh hư nếu có tiền rủng rỉnh. Cái này là điều hết sức phi lý và các bà phải tự vấn: thế sao mình không sinh hư khi giữ hết tiền của chồng? Thứ ba là do trong gia đình, có nhiều khoản cần chi tiêu, ngày nào cũng bàn nhau về tiền thì phiền phức. Thứ tư là, thứ năm là…

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Thưa các bà, bây giờ, cái sự “chồng làm được bao nhiêu tiền thì đưa cả cho vợ” nếu còn tồn tại chắc chỉ còn xảy ra ở xứ ta. Cái sự đó là do ngàn đời qua, ông cha ta sống chủ yếu dựa vô nông nghiệp, tự cấp, tự túc về cái ăn, chả mấy khi có được khoản tiền thu vào. Cả năm trời, người ta mới bán được 1 con heo để mà “có tiền”. Mà phụ nữ thời phong kiến thì chỉ biết và được biết mỗi gia đình mình thôi, nên bà ấy giữ tiền là chắc như bắp. 

Còn như bây giờ, thu nhập là khoản thường xuyên mỗi ngày, mỗi tháng và phụ nữ cũng đi làm, cũng học lên cao, cũng quan hệ xã hội và tham gia quản lý xã hội. Thời đại đã khác thì phương thức cũng phải khác chứ. Bình đẳng giới là phải bình đẳng chứ không thể đẩy cái bất bình đẳng từ giới này sang giới kia được. Nếu mọi đàn ông Việt phải đưa hết thu nhập cho vợ rồi khi cần xài lại “xin” thì quả là bất bình đẳng cho quý ông.

Thôi thì, trong việc quản lý tiền bạc của gia đình, cũng nên bình đẳng. Ai làm ra tiền ắt tự biết mình đã nhọc công thế nào, nên đều quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt. Người trưởng thành mới lấy vợ, nên hãy xem họ là người đã trưởng thành; họ biết nên làm gì là đúng, là hợp lý, phải đạo. Các bà hãy tin vào điều đó. (Còn nếu các bà viện dẫn chuyện ông A ông B chơi cá độ bóng đá đến tán gia bại sản thì xin thưa, căn nhà tôi đang ở đây được mua lại từ một ông chồng có bà vợ mê bài bạc, ông ta phải bán nhà để “giải cứu” vợ). 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Trước khi xác định “tiền ai nấy giữ” thì phải làm rõ ra cách thức chi tiền. Vợ và chồng có thể lập 1 quỹ chung mà 2 bên đóng góp bằng nhau rồi dùng tiền từ quỹ đó ra lo mọi việc chung (có sổ sách chi tiết, công khai), hoặc nhất trí rằng chồng chi trả những khoản này, vợ chi trả các khoản nọ.

Điều này giúp mỗi người tự chủ về tiền bạc, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền được tôn trọng. Khi cần khoản chi lớn như mua nhà chẳng hạn, 2 bên lại bàn cách đóng góp. Quan trọng ở đây là bàn bạc, làm sáng tỏ mọi điều để sớm triệt tiêu những lấn cấn, phiền não.

Hôn nhân là sự kết hợp 2 cá thể trưởng thành để dựng xây gia đình mới. Ai giữ tiền chỉ là cách thức, phương tiện. Làm cho gia đình vui vẻ, ấm no, phát triển; làm cho mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy được hạnh phúc mới là mục đích. Vậy thì nên xem trọng mục đích chứ sao lại lăn tăn với phương tiện?

Và xin các bà hãy nhớ, chồng mình là người trưởng thành nên mới lấy mình; đừng nghĩ họ sẽ “bậy bạ” khi rủng rỉnh tiền bạc. 

Theo phụ nữ TPHCM