Anh trai tôi bất ngờ gặp tai nạn năm 21 tuổi. Vụ tai nạn khiến cho anh bỏ dở năm thứ 3 đại học, rồi tốt nghiệp với các em khóa dưới hai năm sau đó. Chẳng mấy công ty mặn mà với việc tuyển dụng một người bước đi không còn bình thường, hay cả việc ngồi một chỗ vài tiếng đồng hồ cũng là thử thách.
Công việc bấp bênh cộng với tự ti về ngoại hình đẩy anh trai tôi về góc bếp lo toan ba bữa cơm một ngày, đưa đón bọn trẻ đi học và dọn dẹp nhà cửa. Thi thoảng, anh kiếm thêm được ít tiền từ việc sửa chữa đồ điện bị hỏng của hàng xóm. Trước đó, anh tôi cũng là một hình mẫu “con nhà người ta”.
Từ ngày anh quyết định ở nhà, khu bếp luôn là nơi quây quần, vui vẻ nhất, không chỉ những ngày cuối tuần khi có tôi về thăm mà cả những ngày thường.
Không có sự xuất hiện của những thứ hiện đại và đắt tiền như tủ lạnh “side by side”, bếp từ hay lò nướng… gian bếp của anh tôi nổi bật với một chiếc bếp ga hiệu Rinnai đã hơn 10 năm tuổi, nhưng lúc nào cũng sạch bóng. Không thể nhìn thấy một vệt dầu bắn nào trên mặt bếp cũng như xung quanh. Bên tay trái, cách ra một đoạn là một giá úp bát bằng nhựa song long màu xanh trắng có 3 tầng. Lần lượt từ trên xuống dưới là ngăn úp chén dĩa, ngăn úp các tô lớn và ngăn chứa nồi, chảo. Mọi thứ đều thẳng hàng và ngăn nắp. Tôi tưởng như anh tôi chẳng cần nhìn vẫn có thể lấy đúng cái chén hay cái tô mình cần dùng.
Tôi rất thích món trứng chiên của anh. Nó ngon đến mức tuần nào về thăm nhà ba mẹ, tôi đều nhờ anh chiên trứng. Tôi thường đùa “do anh cho nhiều dầu nên nó ngon thôi” mỗi lúc thấy ba mẹ tấm tắc khen, trong khi tôi luôn là người ăn nhiều nhất.
Chỉ nói riêng món trứng chiên đó, mỗi lần về, tôi lại thấy có một biến thể khác nhau. Trứng chiên mắm, trứng chiên rau củ, trứng chiên cà chua, trứng chiên nấm, trứng kho tương, trứng chiên lá lốt… Mỗi tuần tôi về thăm nhà đều là một sự bất ngờ.
Anh tôi nhớ rõ khẩu vị của từng người trong nhà. Ba và chị dâu bị đau dạ dày nên bát đồ chấm chẳng khi nào có ớt, và thức ăn thì mềm hơn. Mẹ tôi bị tiểu đường, nên mỗi tuần bà sẽ có hai ngày ăn riêng gạo lứt. Anh làm cho tôi hũ tiêu xanh ngâm mắm ớt dù tôi chỉ ở nhà vào cuối tuần.
Cứ chiều thứ Sáu là anh lại nhắn tin hỏi: “Chú út thích ăn gì để cuối tuần anh đãi nào”. Đôi khi tôi nói tên một món mình đang thèm, còn lại thì tôi mong chờ điều bất ngờ từ anh. Hôm nào nấu canh cua cho cả nhà, anh đều nấu thêm cho tôi một bát canh riêng vì “chú út bị dị ứng cua đồng”.
Mỗi sáng, cứ đúng 6g30 là anh đã chuẩn bị xong túi cơm trưa để chị dâu mang đi làm, và đồ ăn sáng cho cả nhà. Hai đứa cháu tôi có vẻ thích về nhà ăn tối hơn là được đưa đi ăn gà chiên. Dần dà khi lớn lên, chúng cũng tự vào bếp pha trà sữa, nấu trân châu, tự làm khoai tây lắc…
|
Bữa cơm tử tế đến từ cách chăm chút cho từng thứ nhỏ bé hơn là món ăn đắt tiền |
Tôi cũng rất nể phục vợ của anh trai, người mà tôi luôn coi là “chị” chứ không chỉ là “chị dâu”. Chị là bạn từ thuở thanh mai, yêu nhau, rồi dũng cảm cùng anh đi qua khó khăn và cũng là người chèo chống gia đình bấy lâu nay, vừa làm dâu, vừa làm “con trai cả”.
Thế nhưng hình như tôi chỉ thấy chị cười chứ chưa từng than vãn, dù chỉ một cái thở dài. Có lần tôi đã tò mò hỏi lý do nào chị lại mạnh mẽ đến vậy. Chị hướng ánh nhìn vào trong nhà và nói: “Chú nhìn xem, ngày nào cũng như vầy, chị đâu còn gì để mong muốn hơn nữa”.
Trong gian bếp, ba mẹ tôi và hai đứa cháu đang cười nói vui vẻ bên mâm cơm. Anh trai thì vẫn tất bật đứng lên lấy thêm cái chén, với tay thêm đôi đũa, múc thêm một bát canh nóng hổi cho cả nhà.
Theo phụ nữ TPHCM