Tôi nhận thấy, trong ba tiêu chí đàn ông tốt mà tôi đưa ra (tốt với bản thân - tốt với xã hội - tốt với gia đình) thì tiêu chí cuối cùng khó đạt nhất.
Tốt với bản thân gần như là chuyện hiển nhiên mà ai cũng làm được. Tốt với xã hội cũng không khó, vì chỉ cần tuân thủ luật pháp và các quy tắc cư xử phổ biến. Nhưng tốt với gia đình, cụ thể là vợ con, lại là chuyện không phải ông chồng nào cũng làm được.
|
|
Tốt với vợ con dường như là điều khó thực hiện với đàn ông (Ảnh minh họa) |
Khác với những mối quan hệ huyết thống, quan hệ vợ chồng được xây dựng giữa hai người xa lạ, trên nền tảng cảm xúc và sự tôn trọng, rồi tiến dần đến một mối quan hệ lâu dài, trách nhiệm và mang tính cam kết. Hành trình đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực thấu hiểu và duy trì, sự kiên nhẫn và độ lượng của cả hai.
Chưa kể, tình yêu đòi hỏi phải được nuôi dưỡng bằng sự quan tâm, chăm sóc và lãng mạn. Điều này, tiếc thay, dường như là quá sức với phần lớn đàn ông.
Thế nên, sau khoảng thời gian mật ngọt ngắn ngủi, số đông họ trở nên khô như ngói, không hoa, không quà, không nói lời yêu thương, bởi vì: “Vợ chồng rồi, có chi mà bày vẽ!”. Thêm một khoảng thời gian nữa, họ lại thấy vợ mình mất sức hấp dẫn nên giảm dần tần suất chăn gối và bắt đầu nhìn ngó nơi khác.
Thêm vài năm nữa trôi qua, họ bắt đầu phát rồ vì vợ lắm điều, nói nhiều, đòi hỏi họ làm việc nhà, góp tiền chăm con… vậy là họ nổi xung, thậm chí có thể bạo lực với vợ. Vậy nên, nhìn lại cả cuộc hôn nhân của mình, nhiều phụ nữ không khỏi bi ai mà thốt lên câu kinh điển: “Đàn ông tốt thật khó tìm!”.
Có một điều rất buồn cười là khi yêu nhau, cũng là người đàn ông ấy và người phụ nữ ấy, phần lớn đều rất tốt đẹp. Bởi nếu không tốt đẹp, họ đâu có tự nguyện trói buộc đời nhau để làm gì?
Nhưng khi cưới nhau về, phần lớn đàn ông đều xem như từ nay đã xong nghĩa vụ “săn bắt và chinh phục",, vợ từ nay đã trở thành gia đình rồi, thành “tài sản” rồi, nên họ không cần phải cố công để “tốt” làm gì nữa. Vậy nên, khái niệm “tốt với vợ” sau khi lập gia đình bỗng trở thành xa xỉ.
Các cô vợ thường cũng ít phản kháng vì cho rằng đàn ông nào cũng như nhau, ly hôn thì cũng phiền, nên thôi kệ. Cũng có trường hợp như cô bạn tôi, cũng chán ngán chồng lắm đấy, nhưng kể ra thì anh chồng có nhiều ưu điểm mà nhiều người đàn ông khác chưa chắc tốt bằng, nên thôi, cứ... để đấy cho xong.
|
|
Nhiều người duy trì hôn nhân theo kiểu... để đấy cho xong (Ảnh minh họa) |
Vậy là bỗng dưng, đàn ông tốt khi yêu vốn đã không nhiều, đàn ông tốt khi đã lấy vợ lại càng ít hơn. Nên thôi, tốt được mặt nào thì chị em ta mừng mặt đấy, để mà duy trì hôn nhân.
Thế nên, tôi cho rằng không phải đàn ông tốt khó tìm mà là đàn ông tốt với vợ khó tìm. Nguyên nhân vì sao thì như đã phân tích. Thứ nhất, quan hệ vợ chồng không phải quan hệ huyết thống, cũng không phải quan hệ yêu đương, nên giữa sự nhập nhằng ấy, đàn ông thường tự cho mình cái quyền đòi hỏi vợ phải như gia đình nhưng lại không thật sự đối xử với vợ như gia đình, không thật sự quan tâm, cũng không thật sự yêu thương.
Thứ hai, những người vợ xem chuyện ông chồng chưa đủ tốt với gia đình, hay cụ thể là với chính mình, là bình thường. Không phải họ không có nhu cầu cải thiện hay khao khát đổi thay, mà vì sự thỏa hiệp đã áp đảo, cảm giác an toàn đã áp đảo nên họ không tự tin để mà cởi bỏ tấm áo hôn nhân.
Điều này không có gì sai, lựa chọn là ở mỗi người, chỉ là sự chấp nhận đó đã và đang vô tình tạo thêm nhiều đàn ông chưa đủ tốt với vợ hơn mà thôi. Bởi vì, khi một sự bất thường được số đông xem là bình thường thì nó sẽ trở thành bình thường, và ngược lại. Và vì vậy mà “đàn ông tốt với vợ” bỗng trở thành một câu chuyện bất thường.
Tất nhiên, những suy nghĩ trên cũng chỉ là quan điểm của riêng tôi, còn bạn, bạn nghĩ gì về đàn ông tốt, họ ở đâu, có khó tìm hay không?
Theo phụ nữ TPHCM