Trong hội thảo trực tuyến “Quản lý cảm xúc” tổ chức vào đầu tháng 11/2021, diễn giả Trish Summerfield (cố vấn của Trung tâm Inner Space) đã khẳng định tức giận chỉ là ngọn lửa bên trên, là cảm xúc thứ hai, thứ ba, không bao giờ là cảm xúc đầu tiên. Bởi thế, ta cần ngẫm xem những điều gì ẩn sau cảm xúc hoặc nhu cầu chưa được đáp ứng ấy. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Cũng giống như con cái đi học mãi vẫn chưa thấy về, cảm xúc trong ta xuất hiện ban đầu là lo lắng. Đến lúc con về, có thể cảm xúc tức giận mới bộc lộ. Tương tự, trong những tình huống “cơm không lành canh không ngọt” giữa vợ chồng với nhau, đằng sau những cơn nóng giận hiện diện nhiều cảm xúc như tổn thương, sợ hãi, xấu hổ, bất an, thất vọng… Và có phải tất cả cảm xúc ấy được đặt trên cái nền là kỳ vọng quá nhiều?

Những lúc nóng tính, không ít người đã nói thẳng ra với vợ/chồng. Thật ra, khi ấy không nên nói. Nếu nói thì chỉ có thể nói rằng: “Tôi xin lỗi, tôi đã tức giận”. Bởi người ta sẽ nhớ tới lời nói, thái độ, hành động ấy với sự đau đớn; bản thân mình cũng nhớ trong áy náy, hối tiếc. Hãy ngăn ngừa giận dữ bằng việc tập trung vào hơi thở của mình, bước đi đâu đó khỏi “điểm nóng”; đồng thời gia tăng sự chấp nhận và tôn trọng, vượt qua được “cái tôi”. 

Tự kiêu, dìm bạn đời xuống, dìm người khác xuống hay tự ti, mặc cảm đều thể hiện lòng tự trọng thấp và nơi ấy “cái tôi” nảy sinh. Chỉ có chọn lựa ở giữa mới là lòng tự trọng thực sự: Tôi nhìn nhận tôi có những ưu điểm, tôi quý giá đồng thời người khác cũng có những ưu điểm và cũng quý giá. Bản thân cảm thấy đầy ắp ở bên trong và nhìn người khác đều có giá trị.

Thế giới như một khu vườn, mỗi người có vẻ đẹp riêng, nơi đó không có chỗ cho sự phán xét, áp đặt, chối bỏ.

Bà Trish Summerfi eld đang làm vườn
Bà Trish Summerfi eld đang làm vườn

 

Chấp nhận, hiểu biết cảm xúc của mình, gọi tên cảm xúc, tìm hiểu điều gì ẩn sau cảm xúc đó là bước đầu tiên để quản lý cảm xúc. Sau khi công nhận “tôi chưa cảm thấy được người kia yêu thương, chấp nhận” thì tại sao bạn không tự đáp ứng nhu cầu ấy cho chính mình? Mối quan hệ của tôi với tôi chính là mối quan hệ nền tảng.

Mất kết nối với bản thân sẽ làm ô nhiễm tất cả mối quan hệ khác. Luôn ủng hộ, khích lệ, động viên, vỗ về bản thân giống như mình làm với một người bạn hay cứ đứng bên kia phê phán bản thân và đổ lỗi cho người khác, cái nào sẽ đưa bạn đến an toàn và hạnh phúc?

Làm sao để loại bỏ cảm xúc tiêu cực nếu vợ/chồng cứ đem đến những điều khiến ta phiền lòng?

Theo diễn giả Trish Summerfield, chấp nhận là bước đầu tiên để loại bỏ cảm xúc tiêu cực. Nếu lảng tránh, đè nén cảm xúc lâu ngày, ta chất chứa đau buồn, trầm cảm. Những thứ ta cố đè nén sẽ không mất đi mà càng kích hoạt chuỗi cảm xúc tiêu cực.

Sao không đem năng lượng của việc đè nén, lảng tránh ấy để học cách chuyển hóa cảm xúc từ giận dữ sang yêu thương, lo lắng sang điềm tĩnh? Đè nén thì bản thân tổn thương, bộc lộ thì làm ảnh hưởng người khác, chỉ có thể chuyển hóa cảm xúc trên cơ sở xây dựng lòng tự trọng và tôn trọng người khác như “chính họ là”. 

Theo phunuonline.com.vn