Chuyến tàu du lịch chỉ 30 khách. Đôi vợ chồng trẻ bế đứa bé ngồi ngay sau lưng tôi. Ban đầu tôi chú ý họ vì tiếng khóc đứa trẻ. Nó cứ khóc rỉ rả mãi, có thể vì sợ hãi. Tôi ngồi hàng ghế trên, nghe tiếng dỗ bất lực của vợ chồng họ mới quay lại nắm chân nắm tay em bé, vỗ về, em bé ngoan dần.

Người vợ chỉ chừng 20 tuổi, gầy guộc, xanh mướt. Người chồng chắc hơn cô vài tuổi, có lẽ lần đầu làm cha nên khá vụng về. Họ hỏi gia đình tôi có ngủ lại trên đảo không. Chúng tôi cho biết chỉ đi theo tour trong ngày nên sẽ về vào buổi chiều. Họ tỏ vẻ lo lắng vì đã đặt phòng ngủ lại. Họ sợ đảo quá hoang vu, thiếu thốn, nếu không có điện, con nhỏ sẽ khó chịu…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tàu chạy nhẹ nhàng trên sông và tăng tốc khi ra đến cửa biển. Sóng mỗi lúc một lớn, con tàu nhỏ bắt đầu nhồi lên xuống, nghiêng ngả. Lúc này, tôi và các hành khách bắt đầu ngấm thuốc say tàu xe nên nhắm mắt lại, nhưng không ai ngủ được, vì tiếng cô vợ.

Cô ấy cứ liên tục “anh ơi, anh ơi”. Tiếng “anh ơi” nhiều đến sốt ruột, tôi mở mắt, thấy người chồng đứng gần boong, sóng đánh dạt nước ướt người nhưng vẫn kiên trì cầm điện thoại quay cảnh đẹp. Tiếng gọi bai bải của vợ anh có thể do cô lo anh gặp nguy hiểm hay vì điều gì tôi không rõ, nhưng nó gây khó chịu cho người đàn ông.

Anh ta quay lại lừ mắt vài lần, rồi cuối cùng anh ta quay về chỗ, rồi cuộc tra tấn hành khách chúng tôi bắt đầu. Anh ta chửi vợ không tiếc lời. Họ từ xưng anh ơi/em ơi, chuyển sang mày/tao: “Tao đứng quay một tí. Sao kêu hoài thế?”. “Con nhỏ nó sợ, em gọi anh…”. “Có nghe tiếng khóc nào đâu, toàn tiếng mày làm phiền”. “Con nhỏ thì anh phải ở bên vợ con chứ”. “Tao đứng đấy một tí thì đã sao mà mày sống chết réo tao vậy?”…

Cuộc cãi cọ, chửi bới mày tao, không thiếu từ ngữ tục tĩu của họ đã lọt hết vào tai 2 con của tôi. 1 đứa con trai 14 tuổi, 1 đứa con gái 11 tuổi. Chúng tôi ở trong chung cư cao cấp, mọi nhà đều đóng cửa im ỉm nên chưa từng chứng kiến cặp vợ chồng nào chửi nhau tới mức này. Cả tàu chẳng ai dám cất tiếng can ngăn hoặc có thể do ai cũng đang say sóng như tôi, đành im lặng chịu trận.

Kết thúc chuyến đi, về nhà, con gái của tôi bàn: “Con sẽ không bao giờ lấy chồng như thế”. Con trai nói: “Con cũng sẽ không lấy vợ như thế”. Biết các con đã “nhiễm độc” từ câu chuyện của vợ chồng nọ, tôi bèn tìm cách chuyển hóa tình huống thành câu chuyện dạy con về tình yêu và hôn nhân, dù có hơi sớm một chút. Tôi nói: “Vợ chồng như vậy thì sống khổ quá các con nhỉ, nhất là cô vợ, mẹ không biết cô ấy sẽ qua đêm trên đảo thế nào”.

- Mẹ coi lại tấm hình mẹ chụp con tắm biển đi, có cô ấy phía sau. Cô bế em bé ra mép nước giỡn sóng, con không thấy chú đâu cả, nhưng cô ấy vui vẻ lắm. Cô còn phân bua với con là cô chú ấy khắc khẩu thôi, chứ vẫn là chồng tốt - con gái tôi nói.

- Ừ, có thể đây là chuyến đi mơ ước của cô ấy. Cô ấy mê biển, cô ấy muốn được đi nghỉ như mọi gia đình, cô ấy còn quá trẻ mà - tôi gật đầu.

- Mê chơi thì đừng lấy chồng sớm, đừng đẻ con sớm - con gái tôi tiếp tục.

- Hoặc tìm người hợp với mình, thương mình mà cưới, đừng chọn đứa khắc khẩu, nghe chưa - con trai tôi dằn giọng với em gái.

- Chứ sao, em thấy ai chửi là em xin mẹ tờ giấy ly hôn liền - con gái tôi dứt khoát.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Con tôi nói “xin mẹ giấy ly hôn” là vì tôi làm ở văn phòng luật. Chỗ chúng tôi chuyên tiếp nhận hồ sơ án dân sự, án hôn nhân gia đình.

Tôi chấm dứt đề tài bằng cách rao giảng: “Chuyện người lớn phức tạp lắm, nhưng để tiến tới hôn nhân, nhất định phải tìm người hợp và coi trọng mình mới mong cuộc đời không sóng gió. Tìm người yêu, bạn đời cũng như tìm bạn thân vậy, đừng chọn người khắc khẩu, vì cứ cãi nhau, miệt thị nhau tăng tiến thành chửi bới, xúc phạm nhau, rồi tổn thương, rồi có khi lại phải ly hôn, các con nhớ nhé. Văn phòng của mẹ nhiều việc rồi, mẹ không thích thêm đơn ly hôn đâu”.

2 con tôi vui vẻ gật đầu “chốt hạ” vấn đề, rồi rủ nhau đi nấu ăn. 

Theo phụ nữ TPHCM