Chồng làm việc nhà luôn là đề tài sôi nổi của cả cánh đàn ông và hội chị em. Ảnh minh họa
Thực ra, bài báo này đã xuất hiện trên một số tờ báo điện tử từ 2 năm nay. Theo quan sát cá nhân, cũng dịp 8-3 năm ngoái, một số tờ báo điện tử cũng đã đăng lại thông tin này và nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Năm nay, cũng vào dịp 8-3, thời điểm được coi là khá nhạy cảm đối với chị em, dòng trạng thái này càng trở nên “nóng hơn bao giờ”.
Buổi trưa, nhóm phụ nữ công sở chúng tôi tranh thủ cà phê và mang chuyện này ra "tám".
Mai Thanh Hồng (nhân viên ngân hàng) kể: “Cuối tuần rồi, được anh bạn chia sẻ bài viết trên trang cá nhân của một ai đó có dòng status này, tối đó, chồng tớ mở Facebook trên điện thoại, thái độ rất chi là này nọ, dí dí trước mặt tớ đắc ý: “Vợ xem đi. Từ nay đừng có mà kêu ca, càm ràm nhé!”. Đọc xong, tớ “sôi máu”, quay sang tranh luận với lão ấy một chặp. Thấy vợ gay gắt, có vẻ cáu thực sự, “hắn” bắt đầu nịnh nọt, kêu là “trêu vợ tí cho vui cửa vui nhà thôi chứ anh biết thừa phải làm gì”. Bọn tớ 2 đứa dân tỉnh lẻ bám trụ thành phố, đều đi làm từ sáng đến tối, con đi mẫu giáo, chiều phải nhờ người đón ở trường trước, tối bố mẹ đi làm về đón con sau. Một ngày phải đối diện biết bao nhiêu là áp lực, cho nên mỗi khi lão ấy la cà bạn bè bia bọt, một mình quần quần con cái, cơm nước, giặt giũ, “tăng xông” lắm luôn”.
Hồng kể tiếp: “Sau hôm ấy, tớ cứ lầm lũi làm việc nhà, không một lời than van, cũng không gọi điện hay nhắn tin “nhờ” lão ấy về sớm đón con. Chắc là biết vợ giận nên lão ấy chăm việc nhà hẳn lên, còn chủ động về trước cắm cơm, giặt quần áo. Tớ nghĩ, cùng nhau chia sẻ việc nhà là cách thể hiện tình yêu, trách nhiệm chung với gia đình thôi. Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, khi người chồng phải gánh nhiều trọng trách ngoài xã hội hay vì công việc mà thường xuyên phải vắng nhà, đi sớm về muộn thì cũng có người vợ nào so đo tị nạnh đâu”.
Cách nghĩ của Hồng cũng là quan điểm chung của khá nhiều chị em. Hồng nói đúng, khi người chồng phải gánh nhiều trọng trách ngoài xã hội hay vì công việc mà sao nhãng việc nhà, có người vợ nào hờn trách, so bì hơn – thiệt đâu. Cái quan trọng là cách ứng xử và sự quan tâm lẫn nhau, cùng có tinh thần vì gia đình, vun vén cho con cái.
Sự vun đắp hạnh phúc của người đàn ông đối với gia đình thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm và những nỗ lực của bản thân. Ảnh minh họa
Theo Phương Huyền (giáo viên THCS, quận Tây Hồ),
trong gia đình, không bao giờ có sự bình đẳng kiểu phân chia công việc 50 - 50. “Các cụ nói, xay thóc khỏi phải ẵm em nhưng đôi khi, chúng ta vẫn vừa phải xay thóc, vừa phải ẵm em. Sự vun đắp hạnh phúc của người đàn ông đối với gia đình thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm và những nỗ lực của bản thân chứ không phải ở hành động “tranh làm hết việc cho vợ con”. Sự thật, đôi khi người đàn ông tranh làm hết việc cho vợ con lại là “động cơ và nguyên nhân” khiến tình cảm rạn vỡ.
Để chứng minh cho điều này, Huyền kể, chị có một người bạn được chồng vô cùng chiều chuộng. Anh là người nấu ăn ngon và chăm chỉ việc nhà, yêu vợ, yêu con. Cứ hết giờ ở cơ quan là anh về nhà, chẳng la cà nhậu nhẹt. Tính anh sạch sẽ nên nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, ngăn lắp. Mỗi khi vợ của bạn đến chơi, cô nào cô nấy nức nở khen anh, ước chồng mình chăm chỉ được 1 phần của anh. Khỏi phải nói, cô bạn của chị Huyền hạnh phúc và hài lòng thế nào về chồng mình. Chị thường chụp ảnh, đăng lên Facebook ca ngợi và bày tỏ tình yêu với chồng.
Thế rồi, các bình luận qua lại, nhiều người khen bạn chị Huyền tốt số, người lại chê thẳng anh chồng với lời lẽ ác ý, coi thường, kiểu như “đàn ông thạo mắm muối dưa cà mất cả cái uy bậc đại trượng phu, dễ…tủn mủn như đàn bà”; “Đàn ông có tài không mài đũng quần trong…nhà bếp"... Anh chồng biết được những bình luận ác ý đã rất tức tối. Chạm lòng tự ái, anh ta mắng vợ, không thèm làm những việc trước đây đã làm giúp vợ. Lúc đầu chỉ là bất bình nho nhỏ, sau thành khẩu chiến, cãi vã, tranh luận không hồi kết. May cuối cùng, họ cũng hàn gắn đươc tình cảm, từ đó, bạn chị Huyền bỏ luôn chơi Facebook.
Câu chuyện “đàn ông làm việc nhà” của nhóm phụ nữ công sở chúng tôi mỗi lúc một sôi nổi, gay cấn. Nàng nào nàng ấy như chứa sẵn cả một bồ ấm ức về câu chuyện này, chỉ chờ có dịp là xả. Không biết, nếu một cô bạn trong nhóm không nhìn xuống đồng hồ và hốt hoảng vì đến giờ về cơ quan làm thì sự rôm rả còn kéo dài đến bao giờ.
Ảnh minh họa
Trước khi xách túi đứng dậy, 1 cô trong nhóm nói như thể kết luận vấn đề: “Nếu người đàn ông thực sự yêu gia đình, yêu vợ con không bao giờ để mặc vợ gồng gánh tất cả việc nhà lẫn kinh tế. Trong đời sống gia đình, có nhiều cách để vợ chồng quan tâm và bù đắp cho nhau. Chẳng có việc gì của riêng đàn ông và việc gì của riêng đàn bà, cái quan trọng là ý thức và cộng đồng trách nhiệm chung với gia đình’.
Nội dung bài báo “Chồng càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ” Theo nghiên cứu của Đại học Oslo và Akershus (Na Uy), các nhà khoa học tại đây chứng minh, đàn ông càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ. Để đi tới kết luận này, các nhà nghiên cứu tại Na Uy đã theo dõi hành vi, quan điểm về việc nhà, cũng như hình thức chăm sóc con cái của gần 20.000 người đàn ông và phụ nữ tuổi từ 18 – 79. Tham gia vào cuộc nghiên cứu trên, các ứng viên sẽ phải trả lời các câu hỏi về: bình đẳng giới, phân chia việc nhà, phân chia chăm sóc con cái. Kết quả cho thấy, 11% phụ nữ trả lời họ làm tất cả hoặc phần lớn việc nhà. 60% cặp đôi cho thấy phụ nữ cơ bản vẫn làm nhiều việc nhà hơn đàn ông. Và chỉ 25% là có sự phân chia việc nhà ngang bằng – chủ yếu là các cặp đôi trẻ tuổi, hoặc chưa có con cái. Trong khi các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa việc chia sẻ việc nhà theo truyền thống (phụ nữ làm hầu hết công việc nhà) với nguy cơ ly dị thấp, họ có nhắc đến việc các cặp đôi không theo mô hình truyền thống trên có nguy cơ ly dị cao hơn. Trong khoảng thời gian 4 năm, các cặp đôi có đàn ông làm nhiều việc nhà hay làm việc nhà nhiều hơn so với phụ nữ có khả năng ly dị cao hơn các cặp đôi có phụ nữ làm hầu hết việc nhà. Thomas Hansen, đồng tác giả của chương trình nghiên cứu cho biết: “Một người đàn ông càng làm nhiều việc trong nhà, tỷ lệ ly hôn càng cao”. Dù các nhà nghiên cứu không tìm thấy hoặc tìm thấy rất ít nguyên nhân lý giải điều này, song họ tin rằng, kết quả có được từ quan sát trên có thể xuất phát từ thái độ “hiện đại” của các cặp đôi. Theo ông Hansen, vấn đề của các cặp đôi “hiện đại” là họ hiện đại trong cả cách phân chia việc nhà và trong quan điểm về hôn nhân. Với họ, hôn nhân phần nào mang ít ý nghĩa “linh thiêng” hơn. Theo các nhà nghiên cứu, chia sẻ trách nhiệm ngang bằng trong việc nhà không nhất thiết có đóng góp trong việc tạo nên hạnh phúc, trong khi sự thiếu công bằng tại gia đình cũng như trong chất lượng cuộc sống lại cho một kết quả gây ngạc nhiên. “Mọi người sẽ cho rằng các vụ đổ vỡ sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong các gia đình ít có công bằng hơn ở nhà, nhưng các thông số chúng tôi cho thấy điều ngược lại”, ông Hansen nói. Theo Thomas Hansen, các cặp đôi sẽ chỉ thực sự hạnh phúc khi họ có vai trò được phân định rõ ràng, ít bị đem ra so sánh, ai nhiều ai ít hơn để nhận về sự bình đẳng. Tác giả giải thích, việc phân chia công việc nhà theo truyền thống có thể dẫn tới “ít cãi cọ vặt vãnh hơn”. Vì một khi vai trò đã rõ ràng, người ta sẽ tránh được tâm lý tại sao tôi làm nhiều mà anh được quyền làm ít. |
Theo phunuvietnam