Đọc bài viết “Con dâu thuê giúp việc, mẹ chồng tủi thân” tôi thấy hình ảnh của gia đình mình trong đó. Nhờ thuê người giúp việc mà anh chị em tôi bớt mâu thuẫn, tập trung hơn cho công việc có thể hỗ trợ điều kiện tốt nhất cho cha mẹ.

Nhiều người quan niệm, con cái phải tự tay chăm sóc cha mẹ khi về già mới là có hiếu, nhưng tôi không nghĩ như thế bởi hoàn cảnh sống của mỗi người khác nhau.

Gia đình tôi có 4 anh chị em, 3 người đã có gia đình riêng và sống cách nhà cha mẹ khoảng 30 - 40 km, chú út còn độc thân ở cùng cha mẹ. Chúng tôi mặc định cha mẹ sẽ sống cùng con út nên không tính toán nhiều. Đến khi chú út đột ngột qua đời vì đột quỵ, anh chị em tôi bị một cú sốc lớn.

Có người giúp việc chăm sóc cha mẹ, chúng tôi yên tâm hơn. (hình minh họa)
Vợ tôi mang tiếng lạnh lùng với cha mẹ chồng (ảnh minh họa)
 

Chúng tôi không biết xoay xở ra sao khi cha mẹ không chịu rời nhà để đến sống với bất kì đứa con nào. Để cha mẹ ở một mình thì không yên tâm vì ông bà đã già, không thể tự phục vụ sinh hoạt.

Ban đầu, chúng tôi chia lịch, mỗi người về ở với cha mẹ 2 tuần rồi thay đổi luân phiên. Nhưng khi thực hiện, cuộc sống gia đình nào cũng xáo trộn. Về ở với cha mẹ thì phải đi làm xa, không hỗ trợ được vợ chăm sóc con cái, chỉ vài tuần ai nấy đều kiệt sức. Đỉnh điểm, chị dâu tôi gặp tai nạn khi vội vàng về nấu cơm cho ông bà rồi trở lại công ty cách mấy chục cây số vào giờ nghỉ trưa.

Tuy nhiên, khi họp gia đình, vợ tôi đưa ra phương án thuê người giúp việc để chăm sóc cha mẹ hàng ngày thì lập tức bị phản đối. Chị gái cho rằng, vợ tôi đang trốn tránh trách nhiệm báo hiếu, để cha mẹ sống với một người xa lạ. Anh trai tôi sợ điều tiếng từ hàng xóm láng giềng vì từ trước đến giờ ở quê tôi chưa có nhà nào thuê người dưng chăm cha mẹ khi con cái "cả đàn".

Vợ tôi vẫn một mực giữ quan điểm, cô ấy phân tích: “Tất cả mọi người đều không thể bỏ công việc hay chuyển công tác về gần nhà cha mẹ được làm sao có thể chăm sóc chu đáo hàng ngày khi phải di chuyển đi về một quãng đường dài. Chưa kể gia đình nhỏ bị chia đôi, việc chăm sóc con nhỏ bị ảnh hưởng rất nhiều”. 

Lúc đầu, tôi thấy sự tính toán của vợ khá... lạnh lùng, nhưng nghĩ lại có phần đúng. Vợ đề nghị thuê thử người giúp việc cho cha mẹ vài tháng, nếu không phù hợp thì thay đổi, mọi người mới xuôi lòng.

Từ đó đến nay đã hơn 2 năm, không ai có ý kiến cần thay đổi gì cả. Chúng tôi may mắn thuê được một người phụ nữ cùng huyện, từng là điều dưỡng nghỉ hưu sớm nên việc chăm sóc người già rất tốt. Nỗi lo canh cánh về cha mẹ già vơi bớt khi đã có người kề cạnh ngày đêm. Dù số tiền trả lương khá cao nhưng mấy anh chị em cùng đóng góp nên cũng nhẹ gánh. Quan trọng là cha mẹ sống vui khỏe, được chăm lo bữa ăn giúp ngủ cẩn thận, sức khỏe tốt lên.

Tuy nhiên thuê giúp việc không có nghĩa là giao khoán toàn bộ việc chăm sóc cha mẹ
Thuê người giúp việc không có nghĩa là giao khoán toàn bộ việc chăm sóc cha mẹ, chúng tôi vẫn theo sát ông bà hàng ngày (ảnh minh họa)

 

Tất nhiên, lúc đầu khi chúng mới thuê người giúp việc, hàng xóm cũng xì xào nói ra nói vào, thậm chí cha mẹ còn giận dỗi. Cha tôi bảo: “Nhà này vốn gốc bần nông, không ăn trên ngồi tróc bao giờ mà cần kẻ hầu người hạ”.

Mẹ bức xúc: “Sinh con ra để mong về già nhờ cậy mà khi mắt mờ chân chậm phải sống với người lạ”. Nhưng dần dần cha mẹ cũng quen thân với cô giúp việc và thông cảm cho hoàn cảnh của con cái.

Quả thật, nếu không thực hiện phương án thuê người, anh chị em tôi chắc chắn sẽ còn xào xáo, mâu thuẫn vì ai cũng bận rộn. Tuy vậy, thuê người không có nghĩa là giao khoán hết, chúng tôi vẫn theo sát cuộc sống hàng ngày của ông bà. Tôi gắn camera ở các góc để tiện quan sát cha mẹ bất cứ lúc nào, cần thì gọi nhau chạy về.

Hàng tuần, chị dâu và vợ tôi lên thực đơn các bữa ăn cho cha mẹ. Hàng tháng chúng tôi đưa ông bà đi khám bệnh, lấy thuốc, cuối tuần con cháu về chơi đông đủ. Nhờ thế tình cảm cha mẹ con cái, anh em vẫn gắn bó gần gũi chứ không hề xa cách như người ngoài hình dung.

Theo phụ nữ TPHCM