|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ngày mới cưới, đám giỗ nhà chồng, với tôi là cả nỗi ám ảnh. Nhà chồng người miền Trung, mỗi năm có tới cả chục cái giỗ. Bất kể đám giỗ rơi vào ngày nào trong tuần, mẹ chồng đều yêu cầu con cái, dâu rể có mặt đầy đủ. Điều này rất kẹt, bởi chúng tôi làm công ăn lương, giỗ rơi vào ngày đi làm là phải lo xin nghỉ phép hoặc nhờ đồng nghiệp trực giùm, nhiều khi ăn giỗ nhưng vẫn phải kè kè ôm máy tính để giải quyết việc đột xuất.
Ngày làm đám, dù thông báo họ hàng là cúng buổi trưa, nhưng 7g sáng chưa thấy chúng tôi có mặt là mẹ chồng đã giận dỗi, gọi điện truy tìm, bất kể đó là giờ chúng tôi phải đưa tụi nhỏ đi học hoặc có đứa phải đi công tác đột xuất. Ngày giỗ, nhận điện thoại mẹ gọi là thấy… tới công chuyện. Lỡ đứa nào tới trễ mà không nhận được cuộc gọi của bà thì nghĩa là bà đang dỗi, có khi cả ngày giỗ chẳng thèm nói với chúng tôi câu nào.
Thực đơn ngày giỗ, mẹ chồng vẫn giữ những món như ngày còn ở quê: xôi gà, heo giả cầy, giò chả, cá biển kho, rau củ hầm, miến nấu măng… ăn riết phát ngán nhưng mẹ nhất định không đổi. Chính quan điểm quá căng của mẹ khiến anh chị em chúng tôi hễ nghe tới giỗ là… ớn.
Không thể mãi chịu đựng áp lực ngầm từ mẹ, chị Hai, chị Ba, tôi và nhỏ Út quyết định họp kín, bàn phương án đối phó. Từ giỗ sau, để đỡ phải huy động nhân sự nấu nướng rình rang, 4 chị em tôi sẽ xoay vòng mỗi người phụ trách chính 1 giỗ, nghĩa là đám của người nào phụ trách thì người đó mới phải thu xếp đến sớm phụ chợ búa, nấu, dọn với mẹ; còn những người khác có thể đi làm bình thường, sát giờ cúng thì tranh thủ giờ nghỉ trưa ghé về nhà cúng rồi ăn trưa như khách mời thông thường.
Về món ăn, chúng tôi cũng thống nhất chỉ để mẹ giữ những món truyền thống trên mâm cơm cúng trên bàn thờ (gồm những món không thể thiếu như gà luộc, món kho, món canh, món xào, cơm trắng…). Còn phần đãi khách, chị em tôi sẽ lên thực đơn những món dễ ăn, đỡ ngán như lẩu, gỏi, rau sống, thịt luộc, nem, ram… - thực đơn này sẽ thay đổi theo mỗi lần giỗ chứ không làm kiểu bất di bất dịch như trước.
Về cách thức nấu giỗ, người phụ trách chính của đám sẽ có quyền quyết định tự nấu hoặc thuê nấu, mua bên ngoài; miễn sao đảm bảo ngon, sạch, an toàn. Khâu dọn rửa, chúng tôi xác định thuê người làm theo giờ, ăn giỗ xong là mấy anh chị em mau mau trở lại cơ quan làm việc, chấm dứt tình trạng hễ tới giỗ là phải nghỉ.
Bàn bạc xong đâu đó, chị em chúng tôi về thuyết phục các ông chồng thuận theo ý mình. Khi tất cả đã thống nhất trong ngoài, lựa dịp cuối tuần, 4 anh chị em, dâu rể kéo về nhà ba mẹ thưa chuyện. Ba tôi nghe mà không nói gì, còn mẹ thì phán câu xanh rờn: “Các con không rảnh thì để mẹ tự lo”.
|
Ảnh minh họa - Internet |
Biết nếu nhượng bộ trong lần “tổng tấn công và nổi dậy” này, cả nhà sẽ chịu thua mẹ mãi. Lấy hết can đảm, tôi vọt miệng: “Dạ, vậy chắc tụi con phải nhờ mẹ vậy”. Lần đó, mẹ có vẻ giận, bà không nói câu nào, lẳng lặng đi vào phòng.
Ngày giỗ, mấy chị em dặn nhau, dẫu có sốt ruột cũng không đến sớm. Khi chúng tôi đến, mâm cúng chưa xong, các món đãi khách thì chưa có. Mẹ cũng không thấy đâu. Ba nói mẹ mấy hôm nay lo ngược xuôi đi chợ nên mệt, sáng nay còn bị tái phát chứng rối loạn tiền đình. Thấy vậy, mấy chị em bắt tay vô nấu tiếp các món còn dang dở. Chị Hai gọi đặt thêm mấy cái lẩu để kịp đãi khách. Cuối cùng, đám giỗ cũng chu toàn.
Khi khách ra về, mẹ gọi mấy chị em tôi đến và nói: “Lâu nay mẹ chủ quan vì nghĩ mình còn khỏe. Nhưng nay thì thấy đúng là ba mẹ già thật rồi. Việc cúng kiếng cũng đến lúc phải giao lại cho các con. Thôi thì các con muốn làm sao thì làm, miễn đừng để bà con họ hàng chê cười là được”. Nghe tới đây, chị Hai cầm tay mẹ nói: “Mẹ yên tâm, cứ để tụi con làm theo cách của mình, đảm bảo đám giỗ gọn gàng, ấm cúng, vui vẻ, mỗi lần giỗ là một lần vui”.
Theo phụ nữ TPHCM