Ảnh minh họa
Chị được cho là may mắn trong hôn nhân khi có một ông chồng là lao động chính trong gia đình, chiều vợ hết mực. Con cái tuy chưa thành đạt nhưng có việc làm, ngoan theo nghĩa chí thú học hành rồi ra đi làm, được sếp và đồng nghiệp quý mến, không hút thuốc, uống rượu… là tiêu chí mà bà mẹ nào cũng ao ước.
Còn nữa, ông chồng hoạt bát, xông xáo, hướng ngoại, sẵn sàng chở vợ đi chơi bất cứ lúc nào. Con cái đã lớn và vợ chồng đều nghỉ hưu, nên việc nhà chị ít đụng tay vì có chồng làm hết, từ đi chợ, nấu ăn đến lau nhà, đổ rác, giặt quần áo… Chị chỉ làm những việc nhẹ nhàng như lau bàn ghế, sắp xếp vật dụng trong nhà, cắm hoa trang hoàng nhà cửa… Nếu không làm hôm nay thì để ngày mai, ngày kia, không áp lực.
Sáng sớm vợ chồng cùng đến hồ bơi, sau đó anh đi chợ, nấu ăn. Buổi chiều có khi anh chở chị đi đâu đó, gặp bạn bè cà phê… Cuối tuần, anh thích ngồi với bạn uống ly bia, nói chuyện. Và tất nhiên, luôn có vợ bên cạnh. Chồng như thế quá hoàn hảo còn gì.
Thế nhưng, chị nhìn những người bạn độc lập trong việc đi chơi, họ có thể lang thang một mình, chụp ảnh, post Facebook, ngồi cà phê tán gẫu với bạn là những điều chị rất thích. Không phải chồng chị ngăn cản mà ngược lại, anh luôn khuyến khích, ủng hộ chị đi chơi với bạn: “Không việc gì phải lo lắng khi con cái đã lớn và ngày xưa em vất vả nhiều rồi”.
Có những phụ nữ cả đời chẳng được chồng đưa đi nhà hàng, ngồi cà phê càng xa xỉ. Đi chơi thì ông chồng lúc nào cũng như miễn cưỡng, hối thúc vợ nhanh nhanh rồi về. Ấy vậy mà, ông có thể ngồi bù khú với bạn cả ngày không chán.
Từ hai mẫu người trên, mới đặt câu hỏi: Tại sao vợ chồng không thích đi chơi cùng nhau? Vì tâm lý muốn khác một chút so với cả đời quá quen thuộc hay vì điều gì khác?
Một chị than thở về ông chồng: “Đi chơi với ổng chán lắm. Rủ ổng đi đã khó mà đến nơi cứ hối về. Nói chuyện với bạn bè hơi lâu liền bị nhăn. Mình thích chụp hình, thấy cảnh đẹp kêu dừng xe lại, lần thứ nhất, thứ hai ổng còn chiều, đến lần thứ ba nghe câu gắt gỏng, chụp gì mà lắm thế. Tụt hết cảm xúc!”.
Theo chị này, thà đi chơi với bạn hay đi một mình vẫn thích hơn đi với chồng. Ngạc nhiên hơn, ý kiến này lại được nhiều chị đồng tình. Các chị cho rằng, không phải đi với chồng chán bởi mất tự do. Đi chơi mà bị nhắc nhở, khuôn khổ lại mang tâm lý e ngại người đi cùng khó chịu thành ra mất hứng thú.
Ảnh minh họa
Cũng không hiếm những phụ nữ luôn phải đi với chồng. Có thể họ không dám đi một mình, cũng có thể chồng không thích vợ đi mà không có chồng bên cạnh, không phải vì ghen. Ông chồng này là hình tượng mẫu mực, lúc nào cũng muốn “đồng vợ, đồng chồng” mới vui.
Phụ nữ thích điều này bởi họ quan niệm, đi với chồng thấy hãnh diện, khẳng định vợ chồng hạnh phúc. Có hy sinh chút tự do không vấn đề gì, mà thật sự họ không cần sự tự do đi một mình. Theo họ, đi với chồng rất vui, nghe những câu chuyện thú vị từ anh, về những điều mà chị chưa biết, được anh chia sẻ, có người giúp mang vác, gọi xe, đăng ký khách sạn…
Lại có những bà vợ luôn ca thán đi chơi từ thuê xe, khách sạn cho đến kiếm quán ăn vợ phải lo. Thì có câu phản biện ngay: “Các chị không lo việc này để cánh đàn ông lo, đến khi khách sạn không ưng ý, quán ăn không ngon, không vệ sinh… có phải tội nợ do ông chồng lãnh đủ không?”. Rõ là ngàn lẻ một kiểu “đồng vợ, đồng chồng”.
Một người kết luận, vợ chồng hiểu ý nhau là tuyệt vời nhất. Vợ thích đi chơi với bạn, chồng nên khuyến khích; vợ thích đi cùng nhau, chồng cũng nên hy sinh một chút vì vợ hy sinh nhiều rồi.
Hôn nhân là cuộc hành trình dài, hai người đồng hành thông cảm và nhường nhau thì chuyến đi mới vui vẻ trọn vẹn. Người đòi thế này, người muốn thế kia, rồi ai cũng cho là mình có lý, không ai chịu ai… thì đi cùng nhau quả thật chán lắm!
Theo phunuonline