leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

"TÔI KHÔNG BIẾT VÌ SAO LẠI THẾ?"

Khi một phụ nữ tham gia chương trình "Bạn Được Quyền Hạnh Phúc" trên VTV2, cô nói: "Em đã trải qua những năm tháng ấu thơ bất hạnh khi có một người cha theo kiểu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Cha chưa bao giờ coi em là con của ông. Ông chỉ có 1 đứa con duy nhất là em trai em. Em đã phải trải qua vô số những đòn roi mỗi khi cha lên cơn giận dữ. Và cả những ngôn từ lăng mạ khủng khiếp nữa. Em đã đau đớn vô cùng và nghĩ rằng sau này mình có con, mình sẽ không bao giờ làm vậy. Nhưng rồi, em đau đớn khi nhận ra, em đang dùng đòn roi trong giận dữ với chính con mình. Em sợ hãi vô cùng. Em không muốn con em lặp lại nỗi đau em đã từng gánh".

Có một thuật ngữ tâm lý là "Intergenerational Trauma" (tạm dịch: Chấn thương tâm lý liên thế hệ). Chúng ta, một cách vô thức lặp lại chính cách giáo dục của cha mẹ vào con cái của chúng ta. Như người phụ nữ kia vậy. Là sự vô thức lặp lại. Cũng trong chương trình của tôi, người phụ nữ đó nói: "Em sinh được 2 người con trai. Em không biết nếu lỡ như em sinh con gái thì chồng em có giống cha em không nữa". Là người phụ nữ đó nghi ngờ chính người chồng của mình dù anh ta chưa từng làm điều gì giống cha của cô ấy. Là lòng tin của cô ấy với mọi đàn ông đều như cha mình.

leftcenterrightdel
Nhà văn Hoàng Anh Tú 

Di truyền nỗi đau là một hội chứng tâm lý phổ biến nhưng gần đây mới được gọi tên. Bắt đầu từ việc giáo dục lặp lại lên con cái những nỗi đau mình đã từng phải chịu đựng hồi ấu thơ. Thế hệ sau luôn có xu hướng nhìn thế hệ trước để học theo. Học chủ động hoặc bị động. Như tôi đã từng yêu một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình có hôn nhân đổ vỡ. Cô ấy luôn khao khát có một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn cuộc hôn nhân của cha mẹ mình. Nhưng chính cô ấy lại lặp lại những nỗi đau mà mẹ cô ấy đã trải qua. Như luôn suy diễn việc tôi tắt điện thoại là vì tôi đang vui vẻ với một phụ nữ khác. Cô ấy kiểm soát tôi đến mức nhiều phen tôi rớt tim ra ngoài khi nửa đêm cô ấy lù lù đứng trước cửa nhà tôi. Miệng cô ấy nói là vì nhớ tôi nhưng mãi sau này, tôi mới nhận ra là vì… tôi chậm trả lời tin nhắn của cô ấy. Bởi mẹ cô ấy đã từng bị bố cô ấy lừa dối và ngoại tình. Tôi cũng mất gần 2 năm mới có thể chia tay trong văn minh với cô ấy bởi quá nhiều lần cô ấy đòi tự tử nếu tôi đòi chia tay.

Trở lại với người phụ nữ trong trường quay chương trình "Bạn Được Quyền Hạnh Phúc", chuyên gia tâm lý trị liệu của chương trình đã phải dành một tháng để chữa lành những thương tổn cho cô ấy. Chồng cô ấy khi nói trong chương trình của chúng tôi rằng, anh hiểu nỗi đau vợ anh đã trải qua, anh thực sự mong vợ có thể được chữa lành để hôn nhân của anh với vợ được hạnh phúc. Có bao nhiêu người chồng hiểu được điều đó? Có bao nhiêu cuộc hôn nhân được chữa lành bắt đầu từ chữa lành nỗi đau bị di truyền như thế?

LẮNG NGHE NỖI ĐAU TRONG BẠN ĐỜI

Chúng ta rất dễ dàng để phán xét một ai đó. Như một hành động sai lè của cô ấy/ anh ấy, chẳng ai làm vậy. Bắt lỗi nhau thật dễ. Nhưng sửa lỗi cho nhau thì thật khó. Huống chi, nếu những lỗi đó thuộc về di truyền. Như một phụ nữ có người cha ngoại tình sẽ không tin vào đàn ông. Như một người đàn ông sẽ mất lòng tin vào phụ nữ nếu như mẹ anh ta từng ngoại tình. Hay đơn giản hơn, cái cách bố đối xử với mẹ trong hôn nhân của họ cũng sẽ dạy con trai cách hành xử như bố, dạy con gái cách cam chịu như mẹ. Cũng có khi là ngược lại, con gái nhìn bố để cho phép đàn ông được quyền "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với mình. Hoặc cậu con trai sẽ cho rằng mọi phụ nữ đều chấp nhận bị đánh như… mẹ mình. Hay tệ hơn, chúng lớn lên và cho rằng, ngoại tình là chuyện bình thường trong hôn nhân.

Nhưng thường chúng ta chỉ nhìn hiện tại thay vì soi sâu vào quá trình hình thành nên người bạn đời của mình. Chúng ta quy kết hiện tại mà không thấu hiểu quá khứ bạn đời mình đã phải trải qua những gian nan nào. Bởi đến chính chúng ta cũng không nhận ra mình đã lặp lại hình ảnh cha mình, mẹ mình trong chính cuộc hôn nhân của mình.

Tôi đã thấy nhiều đứa trẻ lớn lên trong một cuộc hôn nhân lành mạnh. Chúng đều tự tin và phát huy được những phẩm chất của chúng. Ngược lại, nhiều đứa trẻ không được như vậy. Cũng trong chương trình "Bạn Được Quyền Hạnh Phúc", tôi gặp những đứa trẻ nói về mẹ mình với giọng nói rất nhỏ, rất khó nghe. Bởi những thương tổn của chúng từ chính cha mẹ khiến chúng co mình lại. Hay những đứa trẻ bạo lực với bạn bè vì chúng được dạy bằng roi vọt ở nhà. Nhiều đứa trẻ nói dối vì cha mẹ chúng thường xuyên nói dối lẫn nhau, thậm chí bắt chúng phải nói dối để qua mặt bạn đời.

leftcenterrightdel
Hình minh họa 

Lắng nghe nỗi đau trong lòng bạn đời là như vậy. Là nhìn sâu vào cả năm tháng tuổi thơ của vợ mình, chồng mình để hiểu lý do vì sao vợ mình, chồng mình cư xử như vậy. Là nhìn vào cuộc hôn nhân của cha mẹ vợ, cha mẹ chồng mà điều tiết lại cuộc hôn nhân của mình thay vì chỉ lên án vợ mình, chồng mình. Nếu có thể, hãy giúp vợ mình, chồng mình ngăn chặn sự di truyền nỗi đau ấy bằng việc cùng nhau đối mặt với nó.

Đối mặt và đối thoại để có thể mở lòng ra với nhau nhiều hơn. Để có thể chữa lành được cho nhau. Và thậm chí, như người chồng nọ, khuyến khích vợ mình đăng ký tham gia chương trình chữa lành của tôi trên VTV2. Hoặc nếu nỗi đau di truyền đó quá sâu, hãy tìm đến những chuyên gia tâm lý trị liệu, những phòng khám thực sự. Bởi có những chấn thương không thể chữa lành bằng lời khuyên hay những bài học cuộc sống.

CHỮA LÀNH LẠI BẠN ĐỜI

Tôi luôn tin rằng tình yêu chính là cách để chúng ta chữa lành được chính bản thân mình hoặc bạn đời của mình. Là hãy yêu nhau nhiều hơn chút nữa, ôm lâu hơn, hôn sâu hơn, lắng nghe nhau, trò chuyện cởi bỏ các vấn đề trong lòng với nhau. Đừng bỏ lại phía sau người bạn đời của mình với nỗi đau di truyền. Vì rất có thể, con cái của chúng ta cũng sẽ lặp lại chính nỗi đau của mẹ, của bố chúng.

"Qua Vùng Thời Tiết Xấu" vì thế không hẳn là thứ "thời tiết xấu" của hôm nay mà có khi lại là "thời tiết xấu" của hôm qua, của nhiều năm về trước, của người khác đã tạo ra từ rất lâu rồi.

TRÁI TIM ĐÀN ÔNG

Trái Tim Đàn Ông chính là người đàn bà đang đồng hành cùng anh ta.

Vốn là vậy, ngay từ bé, trái tim của một bé trai được khai sinh bởi người mẹ. Không phải bố, mà là mẹ. Mẹ làm nên sự nhân hậu, tử tế hay học cách cư xử thế nào với phụ nữ từ chính cách người mẹ đó với chồng của cô ấy: Cha đứa trẻ. Cô ấy chấp nhận bị chồng đánh thì con trai cô ấy sẽ cho rằng bạo lực với phụ nữ là chuyện bình thường. Người mẹ nhân từ sẽ dạy con trai cách nương nhẹ với phụ nữ quanh mình, học biết ơn sớm hơn. Người mẹ nanh nọc, cay nghiệt sẽ khiến con trai đớn hèn với vợ.

Lấy vợ. Người vợ sẽ "tiếp quản" trái tim đàn ông. Đương nhiên, chẳng phụ nữ nào lấy chồng mà không cần trái tim anh ta cả. Lấy vì tiền thì tôi không nói. Nhưng tiếp quản trái tim đó thế nào thì ít phụ nữ biết cách. Thường sẽ chỉ là quản lý trái tim anh ta, không để trái tim đó có người đàn bà nào khác. Hoặc quản kiểu: Tim anh phải có em. Tục gọi là quan tâm đến vợ. Nên phụ nữ đau khổ vì chồng vô tâm vậy.

Không! Tiếp quản Trái Tim là nuôi lớn Trái Tim ấy. Bằng mình trong tim anh ta. Giá trị của bạn trong tim anh ta đủ choán hết trái tim anh ta không, hay chỉ là một phần bé xíu trong trái tim ấy. Là giá trị của bạn. Thứ bạn cần làm để nuôi lớn trái tim ấy chỉ đơn giản là bạn nuôi lớn giá trị bản thân bạn. Nên đừng nói rằng tại sao tôi phải làm? Bởi giá trị của bạn thuộc về trách nhiệm của bạn mà, nhớ không?

Tất nhiên, tôi thành thật chia buồn nếu như trái tim người đàn ông của bạn không có bạn, không có chỗ cho bạn. Hoặc bạn yêu nhầm người không đặt bạn trong tim của anh ta. Còn nếu anh ta có bạn, hãy cùng nhau nuôi lớn trái tim đó. Bằng bạn. Là bạn lớn đến đâu, trái tim ấy lớn đến đó. Là đổ đầy bạn vào trái tim ấy, mỗi ngày. Bằng đổ đầy vào bạn: Người Phụ Nữ Giá Trị.

Để ngày mà bạn rời khỏi anh ta không phải là anh ta chỉ mất đi một người vợ hay hôn nhân tan vỡ. Mà là họ đã mất đi trái tim của họ. Bạn hãy là Trái Tim của họ là thế!

Hoàng Anh Tú

Hoàng Anh Tú