Tôi có tật "con mắt to hơn cái bụng" nên hay mua thực phẩm vô tội vạ. Thức ăn vì vậy hay bị thừa rồi bỏ, vì chồng con tôi không ăn đồ cũ từ bữa trước. Biết vậy là lãng phí nhưng việc cứ phải canh sao cho khéo, nấu sao cho vừa đủ ăn khiến tôi khó chịu.
Sau vài đợt giãn cách xã hội, chứng kiến nhiều người không mua được thực phẩm, người có điều kiện thì ở trong vùng phong toả, người nghèo, bị mất thu nhập thì không có tiền để mua, tôi bắt đầu tiết kiệm lại, chỉ mua, nấu vừa đủ ăn, đơn giản hơn, bớt phung phí, cầu kỳ.
Những ngày tránh dịch ở nhà, tôi lục lại mấy tủ quần áo của cả nhà mới phát hiện nhiều thứ mua đã lâu không dùng đến, có những món còn mới tinh. Nhiều nhất là quần áo, giày dép của các con vì bọn trẻ lớn rất nhanh, mà đồ cho con tôi toàn mua loại tốt, đắt tiền.
Sẵn đang rảnh, tôi lọc ra mớ đồ còn tốt, sắp xếp cẩn thận, đợi hết dịch sẽ đem cho bớt. Cũ người mới ta, tôi tin vẫn có người dùng được. Nhìn mớ trang phục công sở của mình, tôi tiếc vì lỡ mua nhiều, gặp mùa dịch phải ở nhà làm việc, trang phục công sở dù đẹp, thương hiệu nổi tiếng cũng chẳng ý nghĩa gì.
Nghĩ đến những người đang vật lộn với dịch bệnh, đến cái ăn còn không có, nói gì đồ đẹp để mặc, tôi thấy áy náy như vừa làm gì không phải với họ. Tôi quyết tâm không sắm đồ mới trong hai năm nữa, để xài cho hết mớ đồ hiện tại. Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng cho những việc có ý nghĩa hơn.
Những ngày đầu giãn cách ở nhà cùng nhau, không khí trong nhà cứ căng thẳng. Tôi đụng đâu cũng thấy cần dọn dẹp, lau chùi, làm hoài mệt rồi đâm cáu.
Chồng tôi bí bách vì công việc của anh chủ yếu ở ngoài, nay phải chôn chân một chỗ. Có hôm vừa làm việc công ty (tôi làm việc ở nhà hai tháng nay) vừa nấu nướng nên mệt, lại khắc khẩu với chồng mấy chuyện không đâu, thành ra tôi chán ngán chẳng buồn ăn cơm. Nhiều người nói giãn cách là dịp để sống chậm, có thời gian chăm chút bữa ăn, giấc ngủ của cả nhà hơn, riêng tôi lại thấy bức bối, khó chịu với cảm giác "về hưu" bất đắc dĩ.
Mỗi ngày tôi vẫn đọc tin trên các kênh báo chí, mạng xã hội lẫn Facebook người thân, bạn bè. Nhờ vậy tôi mới biết nhiều trường hợp đáng thương vô cùng. Có người đang làm việc ở công ty thì được tin vợ bầu ở nhà đi sinh và qua đời vì COVID-19, bác sĩ phải mổ lấy con, em bé nằm lồng kính trong khi anh không được vô bệnh viện để thăm.
Có người được tin vợ và hai con nhỏ ở nhà đều dương tính với COVID-19 trong khi đường sá chốt chặn khắp nơi, muốn về nhà hay ở lại công ty đều nan giải, chọn lựa giải pháp nào cũng thấy đau lòng.
|
Ảnh min họa |
Cô bạn làm bên ngành y kể, có những nhân viên y tế còn rất trẻ, chưa trải nghiệm nhiều, công việc chăm lo cho người nhiễm COVID-19 vất vả quá sức tưởng tượng, nên đêm về rưng rức khóc như những đứa trẻ. Họ khóc vì những âm thanh, hình ảnh thương tâm (có khi đáng sợ) phải chứng kiến mỗi ngày khiến họ không nuốt nổi những bữa ăn qua quít, vội vàng, không có nổi những giấc ngủ trọn vẹn chứ không khóc vì lo cho sinh mạng của mình.
Nhiều người khuyên nên ẩn bớt những trang thông tin tiêu cực, đừng để những thông tin xấu kéo tâm trạng của mình xuống đáy. Nhưng tôi lại cảm nhận khác. Nhờ đọc nhiều, tôi nhận ra mình hạnh phúc và may mắn hơn biết bao người. Chỗ tôi ở nằm trong "vùng xanh", có người canh gác, tôi vẫn có thu nhập từ công việc đang làm, vẫn có thể đặt mua thực phẩm.
Tôi tự nhủ bớt "đành hanh" với người, bớt cáu bẳn vì hoàn cảnh, âu cũng là để nhẹ nhõm, dễ chịu hơn cho mình. Nhân viên y tế, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu còn không sá gì mạng sống, thì tôi cứ bức bối vì mấy chuyện không đâu liệu có quá lắm không so với những vất vả, khó nhọc ngoài kia?
Có dầm dề mưa bão mới thương ngày nắng đẹp. Nghĩ tích cực thì dịch xảy đến cũng dạy cho người ta những bài học đắt giá chứ đâu chỉ mất mát, đau thương...
Theo phunuonline.com.vn