Ly hôn đối với người già không phải là quyết định vội vàng. Ảnh minh họa
Nhiều người thắc mắc, tại sao đã sống với nhau mấy chục năm, đến lúc bước sang bên kia con dốc cuộc đời lại quyết định đưa nhau ra tòa, làm vậy có đáng không, rồi ai sẽ chăm sóc mình khi trái gió trở trời, rồi sẽ sống thế nào với lời bàn tán của hàng xóm láng giềng, rồi sẽ cư xử sao với hai bên nội ngoại, với con cái cháu chắt...?
Có hàng trăm thắc mắc như vậy được đặt ra, và những người trong cuộc chắc chắn đã không ít lần trăn trở tìm lời giải đáp. Cuối cùng, họ vẫn quyết định ly hôn vì một lý do quan trọng: mình cần sống cho cuộc đời của mình!
Tuổi xế chiều thì sao? Tuổi xế chiều nghĩa là mình vẫn chưa qua đời, nghĩa là mình vẫn còn thời gian để sống tiếp cuộc đời mà mình mong muốn.
Bạn đã từng bật cười trước những tin tức đại loại như một cụ ông bỏ vợ lên núi sống, một cụ bà đệ đơn ly hôn vào tuổi 84 vì chồng không san sẻ việc nhà... Nhưng những chuyện xảy ra là thật, quyết định của họ cũng là thật. Đó là những trường hợp điển hình cho một cuộc hôn nhân mang tính “chịu đựng”. Ý định rời bỏ nửa kia chắc đã nhen nhóm từ lâu lắm, rời đi chỉ là vấn đề thời gian.
“Tôi đã suy nghĩ hơn 30 năm nay, giờ con cái đã trưởng thành, cho nên những năm tháng còn lại trong đời, tôi muốn được giải thoát”, đó là lời của một bà cụ đã bước sang tuổi xế chiều ở xóm tôi.
Là hàng xóm, chúng tôi phần nào hiểu được sự nhẫn nhịn của bà suốt bao năm qua. Cứ dăm bữa nửa tháng, bên nhà bà lại có tiếng chửi mắng, tiếng xoong nồi loảng xoảng. Sáng ra thấy bà bịt bùng kín mít đi chợ, né tránh ánh mắt thương hại của mọi người.
Khi biết tin bà ly hôn, xóm chúng tôi chộn rộn hẳn. Cuộc ly hôn ở tuổi trên 60 của bà trở thành đề tài bàn tán sôi nổi mọi lúc mọi nơi. Thực ra, ai cũng đồng cảm với quyết định của bà, và hơn nữa, sau chưa đầy 1 tháng, không ai bàn đến đề tài này nữa. Ai rồi cũng có cuộc sống của riêng mình.
Bạo lực gia đình, phản bội, mâu thuẫn tích tụ suốt thời gian dài, không còn yêu thương nhưng vẫn nhẫn nhịn đợi con cái trưởng thành..., thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến hôn nhân thất bại. Có thể bạn từng nghĩ rằng, nhiều người quyết định ly hôn một cách vội vã, thậm chí là tùy tiện. Nhưng điều chúng ta không biết là trong quá khứ, họ đã phải trải qua những cảm giác như thế nào.
Khi đã cảm thấy cuộc hôn nhân của mình không còn ý nghĩa như ban đầu, có hay không có chồng (vợ) bên cạnh cũng không quan trọng, nhiều người sẽ lựa chọn theo đuổi sự tự do của mình một lần nữa, dù cho lúc đó họ đã là “bà”, là “ông”.
Một trong những dấu hiệu của sự rạn vỡ hôn nhân, chính là không còn quan tâm đến nhau nhiều như trước. Khi một trong hai người dần dần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bản thân, đặt tình cảm của bản thân lên hàng đầu, thì đó là lúc những mục tiêu theo đuổi bắt đầu thay đổi, mâu thuẫn gia đình càng về lâu càng khó tháo gỡ hơn.
Có những cặp vợ chồng lúc mới cưới thì suốt ngày cãi lộn nhưng viên mãn lúc về già, bởi họ biết vì nhau mà điều hòa mối quan hệ. Ngược lại, có không ít cặp đôi mặn nồng thuở hàn vi nhưng đến khi về già, khi đã có của ăn của để thì lại “trở chứng”. Tuổi già đến, có người cảm thấy cuộc hôn nhân của mình bình lặng đến nhàm chán, có người lại thấy nửa kia độc lập đến lạnh lùng, có người lại thấy quãng thời gian bên nhau vừa qua chỉ là sự chịu đựng...
Tiếp tục hay dừng lại, tất cả là tùy vào trải nghiệm và cảm xúc của riêng bản thân họ, nhưng chắc chắn một điều, khi họ thấy rằng thực sự phải đưa ra quyết định, thì đó đã là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Tôi nghĩ, hôn nhân hạnh phúc cũng là thước đo sự thành công trong cuộc đời mỗi con người. Bởi lấy ai làm chồng (vợ) là quyết định của chính mình, duy trì mối quan hệ một cách tốt nhất có thể cũng là ý thức và hành động của mình. Giữ lửa một cuộc hôn nhân cho đến khi đầu bạc răng long nghĩa là mình thành công.
Hôn nhân là học cách đi cùng nhau, giản dị và bình yên, đến cuối cuộc đời. Còn ly hôn, là học cách chấp nhận kết cục không thể đi cùng nhau, mục đích cũng để được sống quãng đời còn lại tốt hơn.
Tôi tôn trọng những người có tuổi vẫn dám ly hôn. Bởi để đưa ra được kết quả đó, họ đã rất dũng cảm, quan trọng hơn, đó không bao giờ là một quyết định vội vàng.
Theo phunuonline