leftcenterrightdel
 Ở nhà chồng nuôi, chị muốn chứng minh mình cũng có thể kiếm tiền nên lao vào cuộc đỏ đen (Ảnh minh họa)

Hội đồng hương chúng tôi bất ngờ với chuyện gia đình anh Phong - chị Xuân. Anh chị là cặp đôi đẹp, yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường họ kết hôn và sinh 1 con trai, 1 con gái.

Những bức ảnh cuộc sống đủ đầy chị Xuân chia sẻ trên mạng xã hội luôn khiến nhiều người ao ước. Cho đến một ngày, hội đồng hương loan tin vợ chồng anh chị ra tòa.

Lý do đưa ra khiến ai cũng thở dài. Chị Xuân ở nhà chỉ đưa đón con đi học và cơm nước nên có phần mặc cảm. Chị kết thân với một nhóm người chuyên ngồi sới bạc trong hẻm. Đánh bạc ban đầu thì thắng, tiền tiêu rủng rỉnh, chị rất tự tin. Nhưng sau đấy chị thua liên tiếp, càng gỡ thì lại càng thua nặng, chị phải đi vay các cửa.

Khi số tiền gốc và lãi lên đến 4 tỷ đồng, chị không còn cách nào giấu giếm. Chủ nợ cuối năm tìm đến nhà bấm chuông, đập cửa, quấy rối điện thoại, dọa kiện chị Xuân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh Phong sốc nặng, nhưng cuối cùng đành chấp nhận sự thật.

Không ồn ào tranh cãi, anh Phong quyết định ly hôn. Nhưng anh không phủi tay ra đi, bỏ mặc vợ. Anh bán căn nhà đang ở của anh chị được hơn 3 tỷ để trang trải nợ cho chị và giữ một ít nuôi con. Anh về tá túc nhà nội, chị sang nhà ngoại. Anh cũng "ôm" giúp vợ khoản nợ gần một tỷ đồng còn thiếu. Mỗi ngày anh chỉ được ngủ 2-3 tiếng, ra sức tìm thêm dự án để có tiền trả nợ dần. 

Anh để 2 con cho vợ và bên ngoại nuôi và gửi cấp dưỡng vì thương con còn quá nhỏ, không nỡ tách con khỏi mẹ. Chị Xuân cũng không dám níu kéo khi lỗi sai là ở mình.

(Ảnh minh họa)
Anh bị sốc nặng khi nhìn số nợ của vợ (Ảnh minh họa)

Nhìn xung quanh, chúng ra sẽ thấy chuyện nhà chị Xuân không hiếm. Có người nợ do đánh bạc, cá độ phạm pháp, có người do đầu tư mạo hiểm. Năm nay, kinh tế tài chính nhiều biến động, thị trường tiền tệ, bất động sản lao đao, các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa vì không biết "đáy này có phải đáy cuối cùng hay không". 

Có người giữ bất động sản trong tay nhưng nợ ngân hàng chồng chất, việc bán giải nợ là không thể… Có người vay tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhưng kết quả không như mong đợi.

Khổ nhất vẫn là những người đầu tư, làm ăn riêng, giấu bạn đời. Khi chuyện vỡ lở, chủ nợ tìm đến hù dọa, người chung nhà mới té ngửa. Do lỗi giấu giếm này, chồng/vợ thường không chìa vai làm điểm tựa tinh thần cho "tội đồ" đứng dậy.

Hôm trước, tôi nhắn hỏi thăm cô bạn lâu năm. Kim - bạn tôi - trút lòng xối xả: “Chồng mình đầu tư chứng khoán, lỗ đến tận 70% mà không hề cho vợ biết. Mới đây, cha chồng sang nói chuyện mình mới biết chồng mang sổ đỏ nhà ông bà đi cầm cố vay ngân hàng. Giờ anh không khả năng trả, ngân hàng đang thông báo siết nợ lấy nhà. Bố chồng hỏi mình có cách nào gỡ tình hình này không, mình nghe mà muốn phát điên”.

Kim cũng kể, hôm nào “thị trường xanh” thì chồng vui vẻ tươi cười, còn “thị trường đỏ” là về kiếm chuyện cáu gắt vợ con. Vợ chồng như người dưng sống chung nhà, nếu không vì con còn nhỏ thì Kim đã ly hôn cho... nhẹ nợ.

Con trai bác cả của tôi thời trẻ từng đam mê cá độ đá bóng, mỗi cú click chuột của anh bay đi mấy chục triệu đồng. 2 bác từng phải bán căn biệt thự đang ở, dọn sang căn chung cư nhỏ để có tiền trả nợ cho anh. Những tưởng sau này anh đỡ hơn, nhất là khi có được công việc phù hợp. Nhưng khi lấy vợ, cái máu ham làm giàu nhanh vẫn còn tồn tại bên trong, anh lại rơi vào cảnh bị chủ nợ truy đuổi ráo riết mỗi dịp cuối năm.

Vợ anh khủng hoảng tâm lý một thời gian khi hiểu ra bi kịch chị đang lãnh phía sau cái mác lấy chồng “con nhà giàu, cha mẹ chức to, việc làm ổn định”. Cha mẹ chồng đành phải nói sự thật với con dâu về quá khứ cờ bạc của con trai và "chuyển giao trách nhiệm": “Chuyện đã thế rồi, mình cùng nhau gánh vác thôi con ạ”.

Cùng gánh vác có nghĩa là ngày nào còn làm vợ của anh, chị còn phải đi làm để trả một khoản vừa nợ gốc vừa lãi cao hàng tháng. Chị suy sụp, rơi vào trầm cảm.

Có lẽ khi bạn đời vỡ nợ, phụ nữ thường chịu đựng "chung thuyền", còn đàn ông thì mạnh tay dứt áo. Hiếm ông chồng nào hành xử như anh Phong - đã ly hôn vẫn giúp chị Xuân trả nợ.

Anh Phong nói, ly hôn nghĩa là “đau một lần rồi thôi”. Thói cờ bạc ăn vào máu thì khó bỏ, anh phải tách đôi gia đình ra, để nếu chị ôm chuyện gì xui rủi hơn nữa, anh vẫn còn khả năng làm lụng nuôi con. Anh cũng muốn chị Xuân chấp nhận bài học này để thay đổi cho quãng đời phía trước. Mất niềm tin, tình yêu đã cạn, nhưng anh Phong vẫn có thể làm bạn với vợ cũ vì chị mãi mãi là mẹ của con anh.

Còn Kim - cô bạn tôi - khẳng định: Chuyện gì cũng có giới hạn và vợ chồng cần phải tôn trọng những ranh giới chịu đựng của nhau. Lẳng lặng làm việc riêng, liều lĩnh chuyện tiền nong là cách tự đạp đổ hạnh phúc...

Theo phụ nữ TPHCM