Một sáng cuối tuần, trời man mác tựa như mùa thu đã tràn qua thành phố quanh năm chỉ có nắng và mưa này, em rể bấm chuông nhà tôi. Tiếng chuông cửa ngập ngừng đứt quãng.

Trong bộ quần shorts áo thun giản dị, mang dép kẹp với chiếc ba lô hẳn chứa không nhiều hành lý đeo hờ bên vai, em rể tôi khiến cả nhà bất ngờ quá đỗi. Bởi lẽ vợ chồng em gái tôi đã định cư ở nước ngoài 20 năm. Gần như mỗi ngày, chị em tôi đều nói chuyện với nhau. Những chuyện lặt vặt như hôm nay ăn sáng bằng mấy củ khoai lang, thời tiết thế nào; như việc ba mẹ tôi ngày nào cũng hệt ngày nào, mở cải lương nghe mải mê rồi bàn luận rôm rả về những hồi xưa xa lắc trong quá khứ: đốt đuốc lá dừa, xắn quần lội nước đi coi hát…; như việc những ngày mưa dầm mẹ nấu bánh canh bột gạo xắt, đổ bánh xèo…

Em rể tôi về Việt Nam một mình. Việc em gái tôi không báo với mọi người ắt hẳn có một lý do riêng tư hay rất đặc biệt nào đó. 

“Em muốn thư thả một mình, đi đâu thì đi không cần phải đợi chờ ai, không nói chuyện hay ăn, ở cùng bất cứ ai trong một thời gian. Mọi người đừng hiểu lầm. Gia đình tụi em ổn. Chỉ là em muốn dành thời gian cho những vấn đề của riêng mình một chút”.

Chỉ 1 năm không gặp, em rể tôi có vẻ khác trước rất nhiều. Toàn bộ con người cậu ấy toát ra sức nặng của sự u tối, của nỗi buồn. Điều này tôi nghĩ hằng ngày chúng ta có thể cảm nhận được từ những người xung quanh. Có những người dẫu ta ngồi với họ không lâu, họ cũng không cho ta lời khuyên hay giúp đỡ cụ thể gì nhưng năng lượng ấm áp ngọt ngào yêu đời trong từng cách nghĩ, lời nói cứ thế thấm vào ta như nước thấm vào đất khô. Có những người bủa vây, thậm chí nhấn chìm ta trong sự mệt mỏi, nặng nề…

Tôi không gạn hỏi nhiều. Từ lời em gái, tôi phần nào hiểu được nguyên do của nỗi buồn, ảnh hưởng khá nhiều đến niềm vui và sức sống của em rể. Đó là sự qua đời đột ngột của mẹ cậu. Tuy nhiều tuổi, bà vẫn khá khỏe mạnh nhưng đã đột ngột ra đi khi chưa ai trong số các con có sự chuẩn bị tâm lý.

Mà cũng phải, ai có thể chuẩn bị đủ cho sự mất mát lớn nhất đời người này? Làm gì có ai hiểu được tường tận cảm giác khi đứng trước một tai ương của số phận, trừ phi mình là người trực tiếp trải qua. Tùy tâm tánh và hoàn cảnh của mỗi người mà nỗi đau đó nguôi mau hay lâu. Phản ứng của em rể tôi trước sự qua đời của người mẹ mà cậu yêu thương rất mực không phải là quá khó hiểu.

Tiễn em rể ra về, tôi nghĩ đến cảnh ngày mai em sẽ một mình với chiếc ba lô nhỏ xuôi theo một chuyến xe, đi đâu đó tùy hứng. Như lời em, đó có thể là một ngôi chùa, một nhà thờ hay một bãi biển, một làng xóm xa xôi bảng lảng mùi khói rơm rạ, miễn sao xung quanh toàn là người lạ. “Càng lạ càng tốt chị ạ. Để em không phải cố gắng làm một điều gì”.

***
Không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh những con diều no gió. Có con diều nào không một lần đứt dây? Lúc diều vùng vẫy trên cao ngỡ như có thể chạm đến trời xanh nhưng khi đứt dây, một hạt cát cũng trở nên quá tải. Trong suốt đời mình, sẽ có những lúc ta như thế này, tựa con cua lột cần thời gian tự chữa thương cho mình.

Nhìn bóng lưng lẻ loi của em rảo nhanh trên con đường vắng, ký ức về ba tôi bỗng hiện rõ như vừa mới hôm qua.

Ngày đó, lúc chị Hai tôi mới chừng 10, 11 tuổi và em út tôi còn nằm nôi, ba tôi hùn hạp làm ăn với bạn bè rồi thua lỗ, nợ nần, phá sản, thậm chí vướng cả vào kiện tụng tranh chấp.

Mới 9, 10 tuổi nhưng tôi cảm nhận và nhớ rất rõ không khí gia đình lúc đó. Đến tận bây giờ, dù khoảng thời gian đó đã trôi đi rất xa nhưng thi thoảng tôi vẫn còn giật mình như vừa nghe tiếng khóc thét của em gái khi người ta đến ôm chiếc ti vi em đang xem phim hoạt hình để trừ nợ.

Tôi vẫn còn nhớ từng hơi thở dài sườn sượt của bà cố và như thấy trước mắt mình bàn tay nhăn nheo lần theo túi áo bà ba, mở lớp giấy báo, ni lông đưa cho mẹ tôi những đồng tiền nhỏ cuối cùng.

Tôi vẫn còn nhớ đến rơi nước mắt những chạng vạng, trong tiếng muỗi kêu vo ve và ánh đèn dầu chập choạng, mẹ vừa ẵm em út vừa xới cho 4 chị em chúng tôi mỗi đứa 1 chén cơm chan nước mắm và miếng tóp mỡ lèo tèo.

Ba tôi như con diều đứt dây, chỉ nằm im và không nói gì. Tôi không biết ông có ăn cơm và ăn lúc nào, chỉ nhớ rằng cả mấy chị em đều nín thinh. Hoàn toàn không có tiếng cười, tiếng cãi nhau hay giành chỗ ngủ, đồ chơi như thường lệ. Tôi chỉ nhớ là bất cứ khi nào len lén tìm ba, tôi cũng thấy ông vắt tay lên trán nhìn chằm chằm trần nhà rất lâu.

Ngày đó, trên đường đi bộ đến trường, ngoài việc bận dòm đám dây tơ hồng xoắn xuýt với nhau trên bờ rào hay mê mải với con chuồn chuồn ớt lúc đậu lúc bay, tôi còn bận hỏi mình trên trần nhà có gì mà ba nhìn từ sáng đến tối như vậy.

Rồi ba rời nhà vào vườn cất một cái chòi nhỏ. Sau này, khi chúng tôi lớn lên, mẹ kể rằng bà cố không cho mẹ cất lời nào ngăn cản. Bà nói mẹ hãy để ba có thời gian một mình. Là người nuôi lớn ba tôi từ những ngày thơ ấu, bà hiểu ba tôi cần gì.

Hình như suốt gần 1 năm, ba tôi chỉ quanh quẩn trong khoảnh vườn ông cố để lại, cuốc đất trồng cây, rất ít khi ra khỏi nhà. Cách vài ngày, mẹ tôi lại mang cho ba chút gạo, mắm, trà, thuốc… Ba tự bắt cá, trồng rau, nấu nước pha trà, nấu cơm, giặt giũ…

Hết 1 năm, ba tôi trở lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

***
Bóng em rể tôi đã khuất sau dãy nhà cao tầng. Cuộc đời con người dài và khó lường tựa cánh diều, hẳn đứt dây một vài lần có gì là lạ. Quan trọng là bản thân và những người thân bên cạnh có hiểu và cho mình thời gian để dán đôi cánh, để tìm lại đà cho chuyến bay kế tiếp hay không. Bà cố tôi, mẹ tôi rồi bây giờ là em tôi đã cho ba tôi, em rể tôi những quãng lặng để đau, để ngẫm, để tự liếm vết thương của chính mình. Hẳn rồi cũng như ba tôi, em rể tôi sẽ trở lại.

Ở đời, không phải ai cũng là phượng hoàng. Thế nhưng, có lẽ bất kỳ ai hồi sinh từ đống tro tàn của chính mình đều xứng đáng là phượng hoàng. Hẳn thế!. 

Theo phụ nữ TPHCM