Chị là người vui vẻ, tháo vát nên được cả nhà chồng yêu quý. Gia đình chị là điểm đến của họ hàng hai bên mỗi lần muốn sum họp, tiệc tùng. Ai cũng thích không khí vui vẻ, cởi mở từ chị, và sự mực thước, chu đáo từ anh. Thế nhưng, lần này, chị trút bầu tâm sự với em chồng:

- Anh của em hết thương chị rồi!

Cô em ngỡ ngàng:

- Ảnh có người khác? Từ bao giờ?

- Lâu rồi, không phải có người khác, mà chỉ là hết thương chị thôi!

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK


Cô em sống ở nước ngoài. Hơn một tháng nay, cô về thăm nhà và bám chị dâu như sam. Chị nói, mấy năm nay anh hầu như không nói chuyện với vợ. Có nói cũng chỉ nói những chuyện nhà cửa, con cái. Anh vẫn trách nhiệm với gia đình, nhưng chia sẻ thì không. Anh không còn đưa chị đến gặp bạn bè, đồng nghiệp. Hoặc nếu có đưa đi, thì thể nào cũng mất vui nửa chừng vì anh quạu, anh không vừa ý về chị.

- Chị có nói chuyện này với anh chưa? - cô em hỏi.

- Rồi. Ảnh nói vẫn thương, chỉ do tính ảnh không hợp với chị cái khoản ăn nói. 

- Ngày anh chị yêu nhau thì có khắc khẩu lắm không? - cô em hỏi tiếp.

- Hồi đó hai đứa đều là sinh viên nghèo bám trụ thành phố, nên phải bảo ban nhau, cùng nhau để giải quyết vấn đề, làm gì có khắc khẩu. Khi hết khó khăn thì… cưới, cưới xong dần dần ảnh “quạu đeo" vậy! - chị kể.

Cô em vốn là người thấu đáo và hay quan sát, cô bắt đầu trò chuyện sâu với chị dâu về cái mà chị cho là “hết thương”, còn anh thì gọi là “cái khoản ăn nói".

Thì ra, ngoài việc không thèm nói chuyện với vợ, anh vẫn là người chồng khá ổn. Anh đưa rước chị bất kể sớm khuya, anh giành chăm con, giành cả việc lui tới chăm sóc ba mẹ vợ.

Loại bỏ dần các biểu hiện của sự xa cách, thì chỉ còn đúng một vấn đề là “cái khoản ăn nói". Mà vì chị là người náo nhiệt, mạnh giao tiếp, nên việc bị cách ly với chồng ở cái khoản ăn nói này đúng là “nặng đô".

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP


Cô em hỏi:

- Em nói một vài điều em thấy ở anh chị được không?

Chị gật. Chị đang thèm được mổ xẻ thấu đáo cái “hộp đen giao tiếp" vẫn bưng bít lâu nay giữa vợ chồng chị.
- Đúng là sau này anh cũng hơi khó tính. Vì vậy có những sự thoải mái, náo nhiệt của chị hơi quá khả năng tiếp nhận của anh.

Cô vừa nói đến đó thì chị “à” lên như nhớ ra điều gì. Cả hai chị em bắt đầu điểm lại những lần “bất ngờ quạu đeo" của anh suốt một tháng qua. Lần đầu cô em thấy anh trai mình quạu là khi hai chị em vừa đi chợ về, lúc ấy anh đang ngồi ở sô pha. Vợ vừa lại gần hỏi “anh xem gì vậy?” thì anh đứng lên, đi thẳng xuống bếp.

Lần đó anh đang coi bảng tin chứng khoán. Nhưng cái sự im lặng bỏ đi đó, có lẽ là phản ứng với cái nhìn lom lom của chị vào màn hình của chồng.

Cô em biết điều này, là vì ngay hôm sau, khi các anh chị họ gặp nhau ăn tiệc, anh lại “quạu đeo" khi chị sà xuống cùng nhìn vào điện thoại của cô em họ và hỏi “coi gì đó?”. Ngay lúc đó, anh “phang" luôn:
- Sao nhìn vào điện thoại người khác vậy?

Tình huống đó lẽ ra sẽ rất… khó đỡ, nếu chị không vui vẻ khỏa lấp ngay khoảnh khắc sượng sùng đó.

Nếu gặp gỡ thường xuyên, thật không khó để nhận ra lệch pha trong khoản ăn nói của anh chị. Anh rất chừng mực, nói năng vừa đủ và thường rất trung dung. Dù là người có uy tín trong gia đình, anh rất ít khi đưa ý kiến. Ngay cả với các em, anh cũng chỉ bày tỏ khi được hỏi, chỉ khuyên răn khi được mời. Còn chị thì náo nhiệt, vui vẻ, và thường xuyên nhận xét. Quả thực, nếu không phải là người quá nhân hậu, vui vẻ, có lẽ chị cũng “chuốc oán" với nhiều người vì những nhận xét ngang hông.

Sẵn mạch phân tích của cô em, chị kể, chị đi tiệc với cơ quan anh, thấy cô đồng nghiệp anh, chị vui vẻ:

- Em mặc váy tiệm L. đúng không? Mốt muốn mặc cái này thì chị chỉ cho, bên tiệm M. cũng y vậy nhưng rẻ rề hà!

Chị nói xong, anh quạu luôn. Có khi chị nghe được một đoạn nói chuyện riêng của vợ chồng nọ, bèn xen vào tung hứng. Và anh quạu!

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP


Giữa đoạn trò chuyện, chị như vỡ ra. Chị nói:

- Ảnh chừng mực như cây thước, gặp bà vợ ồn ào như chị đúng là áp bức tinh thần thiệt đó!

Nhưng cô em từ tốn:

- Nhưng lỗi không phải ở chị, chỉ là khác biệt thôi. Giờ muốn hòa hợp, anh cũng phải cùng chị điều chỉnh. Hôm nào chị thử bắt chuyện với anh xem, hỏi vô vấn đề như kiểu xin ý kiến anh nghĩ gì về chuyện giao tiếp của chị, rồi từ đó mình tính tiếp.

Chị gật. Nhìn vẻ thiện chí của chị, người ta có thể hy vọng về một sự chuyển biến tốt đẹp. Tính cách thì khó lòng thay đổi, nhưng “cái khoản ăn nói” sao cho dễ chịu, nhịp nhàng với người nghe, là một kỹ năng có thể học và rèn…

Theo phụ nữ TPHCM