Ảnh minh họa
Chồng tôi rất thương hai con gái, anh cho rằng kiểu gì thì đàn bà cũng khổ. Phụ nữ thời nay đi tìm bình đẳng, họ truyền tai nhau đủ cách để trở thành một phụ nữ rạng rỡ, thành công, không sống phụ thuộc. Nhưng chồng tôi nói, đó chẳng qua là cách phụ nữ tự an ủi nhau mà thôi.
“An ủi nhau là sao?”, tôi hỏi, thì anh hỏi lại: “Đàn ông với đàn bà, ai ham việc nhà hơn?”. Anh biết tôi có quỹ đen, tôi có học hành, có uy tín ngoài xã hội. Anh cũng không phải người chồng tệ, nhưng việc nhà, tôi bao giờ cũng “ôm” nhiều hơn.
Thường đi làm về, anh đón con, tôi vào bếp. Biết là mỗi người mỗi việc, nhưng anh chỉ vui chơi với con, cha con anh gặp nhau là đủ trò vui vẻ, còn tôi, tiếng là vào bếp, nhưng còn khá nhiều việc linh tinh khác.
Khi anh giao con lại cho tôi, coi như anh đã xong việc, tôi thì phải loay hoay làm nốt những việc còn lại, có lẽ vì tôi “ý thức” chuyện nhà hơn chồng chăng?
Những hôm chồng đi công tác, tôi vừa trông con, vừa vào bếp, lúc đó ước gì mình có năm, bảy tay cho mau xong việc. Chưa kể có hôm tôi phải mang việc nhà về, vì tôi không muốn hôm sau bị khiển trách. Xác định đi làm, là phải hoàn thành nhiệm vụ, không để người khác coi thường, không để việc gia đình ảnh hưởng việc cơ quan.
Tôi không nghĩ đi làm là để bình đẳng với chồng, cũng như nếu tôi ở nhà nội trợ, không có nghĩa là tôi không có tiếng nói với chồng.
Tôi cố gắng hoàn thành việc cơ quan, không mong đánh đổi gia đình với các chức vụ ngoài xã hội, tôi muốn làm người có ích cho xã hội, vừa là người mẹ người vợ tốt trong gia đình.
Thiên chức làm mẹ làm vợ, nếu tròn vai cũng không dễ, đừng nói đến thêm việc xã hội. Nhưng phải công nhận một điều, nếu không được chồng chia sẻ, phụ nữ khó tròn vai “hai tốt”.
Tôi học cách chấp nhận câu “Làm đàn bà tốt kiểu gì cũng khổ”, nhưng lại nghĩ, nếu muốn được yêu thương, nếu biết tự cân bằng việc nhà việc xã hội, biết làm cách nào để chồng chia sẻ mọi việc, đó mới là tuyệt chiêu của đàn bà.
Đi đòi bình đẳng là tự làm khó mình, tôi để mọi thứ diễn ra tự nhiên, dĩ nhiên không ngừng cố gắng sáng tạo và thích nghi.
Tôi chọn đi làm, để làm những điều mình thích, mở mang kiến thức. Nhưng tôi không bỏ bê gia đình, vì tôi muốn sống bên cạnh người tôi yêu thương, kề cận đêm hôm.
Tôi cân bằng giữa con người xã hội và con người gia đình, điều đó không dễ, nhưng mọi người làm được, thì tôi cũng làm được. Tôi nói với chồng, nếu thương con gái, thì càng phải biết thương vợ, chia sẻ với vợ trước, đừng nói suông.
Con gái sẽ không khổ nếu con biết lượng sức mình, tôi tin con gái qua tay tôi tôi luyện sẽ hiểu sâu sắc hai chữ “bình đẳng”, để chẳng cần phải đi tìm, đi đòi chi cho tốn công, mà bình đẳng là tự biết làm hài lòng mình. Cán cân bình đẳng có thể chênh một chút, nhưng đừng lệch quá.
Bình đẳng, không phải chồng đi nhậu, thì vợ cũng có quyền đi nhậu; chồng có bồ, vợ cũng có quyền có bồ; hay chồng sao ta vậy, mà bình đẳng là ở trong cách sắp xếp của mỗi người sao cho tròn trịa nhất, hợp lý nhất. Tôi không đem bình đẳng lên bàn cân, đàn ông với đàn bà vốn là hai thế giới khác, cân sao cho bằng?
Theo phunuonline