leftcenterrightdel
 Tôi cô độc và kiệt quệ trong nỗi đau mất mẹ (ảnh minh họa)
Hơn 1 năm trước, mẹ tôi qua đời đột ngột, chưa tới 1 tháng sau khi phát hiện ra bệnh hiểm nghèo.

Những ngày lo hậu sự cho mẹ, tôi tất bật chân đi như chẳng kịp chạm đất, chỉ mong mẹ được chu toàn. Mọi thứ loang loáng trôi qua như cơn ác mộng, chính tôi cũng không nhớ hết... Ai cũng bảo tôi nhanh nhẹn mạnh mẽ quá, có thể quán xuyến mọi thứ, chắc sẽ làm chỗ dựa cho cả nhà.

Thế nhưng, khi bà con, đám hiếu đã lùi xa, tôi trở về cuộc sống thường nhật và mới “thấm”. Đó cũng là lúc, tôi thật khó chấp nhận ý nghĩ: đời này, sẽ chẳng bao giờ mình còn được gặp lại mẹ nữa…

Thời điểm đó, ngôi nhà của tôi vừa được sửa sang xong, với các phòng ngủ dành cho mỗi người. Ở độ tuổi thiếu niên, 2 con tôi vô cùng vui mừng khi được “ra riêng” như ao ước. Chồng tôi cũng sở hữu một góc nhỏ trên sân thượng. Tôi chưng hửng nhận ra, cuộc sống của mình bẻ sang khúc quanh khác, không mấy dễ dàng.

Trong căn phòng rộng rãi của mình, tôi luôn sợ bóng tối, sợ cả ánh sáng của những bình minh do mệt mỏi vật vờ vì thiếu ngủ. Tôi sợ cái điện thoại mà bản thân thường bám lấy với hy vọng, nó đủ sức khiến cho tôi mỏi mắt mà thiếp đi. Tôi sợ hộp kẹo ăn để dễ ngủ mà thâm tâm luôn dặn phải hạn chế, tránh phụ thuộc vào nó.

Mỗi khuya, tôi cứ chập chờn rồi giật mình thức dậy xem giờ nhiều lần. Mai có cuộc họp quan trọng, mai phải đi công tác, mai có đối tác lớn ghé thăm văn phòng… những kế hoạch đó lẽ ra không cần quá lo âu thấp thỏm, nếu như tôi có thể vỗ về giấc ngủ bình thường.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ dễ trở nên trầm cảm và mất thăng bằng sau biến cố (ảnh minh họa)


Chồng tôi vốn bận rộn vất vả, tôi cũng không thể làm phiền anh mãi bằng những lời kể lể muộn phiền. Nằm thao thức bên tiếng ngáy ầm ầm của chồng cũng không phải điều dễ chịu gì, càng khiến thần kinh tôi căng thẳng. Các con tôi dần tìm cớ thoái thác qua phòng cùng mẹ, và tôi cũng khó mà trách chúng. Ban đầu, là do tôi hay bật khóc trong đêm, khiến các con e dè bất an.

Sau vài lần an ủi, con trai lớn của tôi buông thõng 2 chữ “lại nữa” khi mẹ nức nở “mẹ chưa kịp làm gì nhiều cho bà ngoại”. Chẳng ăn uống gì khác thường, nhưng tôi tăng cân vùn vụt một cách khó hiểu. Soi gương, tôi hầu như không nhận ra chính mình. Vật vã với thân hình nặng nề xa lạ, trong căn phòng lạnh lẽo, bên cạnh những người thân bận bịu, tôi mãi loay hoay tự tìm cách vực dậy tâm trạng, tự cứu lấy mình.

Một mình trong đêm vắng, tôi tỉ mỉ “đếm cừu”, cố gắng không nghĩ ngợi nhiều. Nhưng tất cả những ân hận, nuối tiếc muộn màng, từng hình ảnh của khoảnh khắc sinh tử chia lìa cứ như thước phim chầm chậm quay lại, hành hạ tâm trí, bào mòn sức lực của tôi. Tôi luôn tưởng tượng về mai này, cảnh chồng con, gia đình của mình cũng sẽ rời đi. Có lẽ, biến cố mất người thân đã khiến tâm trí tôi hoảng loạn. Lòng tôi nguội lạnh, chẳng còn thiết tha gì, tôi chỉ thấy cuộc sống vô thường, và mọi nỗ lực, hơn thua chỉ là vô nghĩa…

“Việc gì mẹ cũng xử lý được, ngoại trừ cái chết”. Tôi từng dạy con mình như thế, nhằm để con yên tâm chia sẻ các khó khăn của chúng, tránh phải giấu diếm hoặc tự mình đối mặt. Giờ, tôi mới thấy câu này đúng tới xót xa. Tôi không thể thay đổi được thực tế, là người thân của mình đã vĩnh viễn rời xa. Khi tôi tình cờ nấu món ăn cũ mà mẹ ưa thích, đi ngang qua bệnh viện nơi mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng, thậm chí nghe ai nhắc tới chữ “mẹ”… là lòng tôi quặn lên đau đớn. Tôi hạn chế đi đám hiếu, sau một lần đã òa khóc tới mất kiểm soát khi đến viếng ba của chị đồng nghiệp. Tôi sợ cả việc ra nhà thờ thăm mẹ, đối diện với hũ tro cốt im lìm và tâm trạng nghẹn ngào của mình.

Có vẻ như, chồng con sau nhiều lần động viên, dỗ dành, đã nản hẳn với cái đề tài muôn thuở của tôi. Dường như ai nấy đều đang phải chịu đựng tôi, cắn răng nghe tôi than khóc. Dần dà, tôi không còn dám mạnh dạn thổ lộ với bạn bè xung quanh, bởi hiểu ai cũng phải mưu sinh, quá nhiều lo toan rồi. Tôi càng ngại ngần khi cứ nói mãi về những điều u ám “xui xẻo” ấy. Buồn nhất là ý nghĩ mình yếu đuối, phiền phức…

Phải làm sao để thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái chết, để tránh những suy nghĩ tiêu cực? Tự trả lời câu hỏi đó, tôi chủ động gặp gỡ bạn bè, chia sẻ cảm xúc với người thân. Tôi trò chuyện nhiều với người bạn mất chồng trong đợt dịch COVID-19 năm trước, để học hỏi cách vượt qua biến cố của cô ấy. Tôi xem phim vui, truyện hài, cố gắng để lạc quan. Tôi đi tư vấn bác sĩ tâm lý để tìm lời khuyên và thuốc thang. Tôi dặn mình tập trung vào công việc để mong sớm thoát khỏi nỗi chênh vênh trầm cảm…

Theo phụ nữ TPHCM