Khi tôi đặt vấn đề "Bạn có đang đơn thân, đơn độc trong chính cuộc hôn nhân của mình?", nhiều bạn nữ tôi quen vô thức bật ra câu nói: “Có gì lạ. Mình đã sống như vậy nhiều năm nay rồi”.
Mọi người thay nhau kể ra hàng chục biểu hiện, hàng trăm tình huống. Nào là: Chồng không quan tâm đến vợ, bỏ bê chuyện học hành, phát triển của con; Không phụ việc nhà; Không chia sẻ tài chính; Nhà như cái quán cơm hoặc nhà trọ, chồng thích đi lúc nào là đi, về lúc nào thì về; Mặc cho vợ quay như chong chóng với núi công việc khiến thể lực lẫn tinh thần đều suy kiệt thì chồng vẫn có một nhịp sống tự tại, thảnh thơi.
|
Người vợ quay cuồng với núi việc nhà ( Ảnh minh họa) |
Theo đúc kết của tôi, những người chồng bỏ rơi vợ trong hôn nhân về cơ bản thuộc 2 nhóm chính:
Thứ nhất là những người chồng trẻ con. Họ chỉ lớn về thể hình, tuổi tác còn tư duy, thái độ sống thì chưa kịp lớn. Họ sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình được ba mẹ, anh chị em bảo bọc, ít khi phải tự thân, chủ động điều gì. Vậy nên sau này, khi lấy vợ, họ vẫn duy trì thói quen thụ động, ỷ lại vốn được hình thành từ nhỏ. Nếu gặp người vợ không biết chia việc, giao việc, ôm đồm thì những người chồng này sẽ không bao giờ “thoát kén”. Vợ - chồng mãi mãi ở thế mất cân bằng. Lúc này, nhiều người sẽ gọi chồng mình là đứa con to xác, nhiều tuổi nhất nhà.
Trường hợp thứ hai, những người chồng sẽ vô trách nhiệm, thiếu chia sẻ với vợ do cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu thật sự. Khi cảm xúc lứa đôi mờ nhạt thì sự kết nối vợ chồng sẽ ngày càng trở nên lỏng lẻo, đứt đoạn, khó cứu vãn. Với bản tính, thiên chức của mình, người phụ nữ vẫn cố gắng làm tròn vai người vợ, người mẹ, tuy nhiên, cánh đàn ông thì không. Những cảm xúc tiêu cực như đổ lỗi, bất mãn, buồn chán trong cuộc sống chung dễ dàng trồi lên khiến họ dành cảm xúc, sự quan tâm cho những niềm vui, thói tật khác bên ngoài gia đình.
Những người chồng mặc sức đi sớm về khuya, bỏ bê con cái, sẽ cáu gắt, tỏ thái độ bất cần khi được góp ý, nhắc nhở. Vì không muốn gia đình tan vỡ, người phụ nữ tiếp tục trầm mình trong cuộc hôn nhân ngột ngạt, quá tải với hàng tá những áp lực bủa vây.
Tôi rất ngưỡng mộ Diệu Quỳnh - người bạn cấp III đang sống cùng thành phố với tôi. Mặc dù gần chục năm nay bạn đơn thân trong chính cuộc hôn nhân của mình, nhưng lúc nào bạn cũng vui tươi, năng động. Từ khóa mà Quỳnh tập trung vào nằm ở chữ “năng lượng”.
Với bạn, chỉ cần bản thân nắm được những bí quyết, kỹ thuật để duy trì được nguồn năng lượng lúc nào cũng ở mức cao thì mọi khó khăn, thử thách trở nên nhỏ bé, bình thường. Bạn quan niệm, các đầu việc như kiếm tiền, đi chợ, nấu nướng, đưa con đi học, chăm sóc con ốm, dạy con học… không phải là áp lực mà chính là việc thường nhật mà một người mẹ phải làm. Tùy vào quỹ thời gian và nguồn tài chính, Quỳnh sẽ điều chỉnh lịch trình, nhịp độ hợp lý, tránh gây tình trạng căng thẳng, mệt mỏi cho bản thân.
|
Người phụ nữ cần tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân để giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng ( Ảnh minh họa) |
Khi không nhận được sự đồng hành từ chồng, bạn tôi quay vào bên trong để làm mạnh chính mình bằng cách giảm bớt mong cầu, nghĩ khác đi, nói lời tích cực.
Bạn chia sẻ: “Nếu chồng yếu kém, vô trách nhiệm thì xung quanh mỗi người vẫn còn những nguồn hỗ trợ khác để mình nhờ cậy, dựa vào. Đó là ông bà nội, là ông bà ngoại, là bạn bè tốt, đồng nghiệp tốt, là một chương trình trên tivi, là lời khuyên của một chuyên gia tâm lý, là một cuốn sách hay bỏ quên từ lâu trên kệ…”.
Diệu Quỳnh thuộc típ phụ nữ lạc quan, tích cực trong mọi hoàn cảnh. Phương châm của cô ấy là “nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn tìm lý do”. Dù ngoại cảnh, bạn đời, tổ ấm của mình bất toàn đến mức nào thì Quỳnh vẫn có cách để ổn định tâm trạng, vững bước trên hành trình đã lựa chọn.
Tuy nhiên, ngoài kia, không có nhiều người vợ, người mẹ hiểu biết, chọn cách sống tích cực như bạn. Mỗi ngày, chúng ta vẫn rối ren, luẩn quẩn, bế tắc, kiệt sức trong “chiếc áo” làm vợ, làm mẹ quá khổ với mình.
Theo phụ nữ TPHCM