Khó quyết định, vì cầu toàn, sĩ diện

Dì Tư Lành là tuýp phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng cho gia đình. Tuy ít học, quanh quẩn công việc nội trợ nhưng dì thường lấn át chồng để giành quyết định các vấn đề của gia đình. Họ có với nhau 3 người con trai và lúc nhỏ các con luôn xem mẹ là thần tượng. Nhưng khi các con trưởng thành, lúc 3 nàng dâu xuất hiện thì thần tượng chính thức sụp đổ.

Dì tâm sự với bạn bè rằng dì chọn ở với người con trai thứ hai vì thấy sức khỏe nó không tốt, vợ chồng tính tình đều mềm mỏng, không hề cãi cha mẹ. Anh con trưởng kinh tế khá giả nhất nhưng thẳng tính, sẵn sàng tranh luận với mẹ, làm dì thấy khó chịu, còn vợ nó thì không biết ngọt ngào cho cha mẹ vui. Riêng anh út, dì thương nhất, nó dung hòa ưu điểm của 2 anh nhưng ngặt nỗi vợ nó quá vụng về, không kỹ lưỡng và hay hờn dỗi mẹ chồng.

 
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Một hôm, dì Tư Lành trúng thực, phải nhập viện điều trị 10 ngày. Vợ chồng anh thứ hai chăm sóc dì qua loa, viện lý do sức khỏe yếu, bận việc công sở. Vợ chồng anh con trưởng vào chăm thì dì không vui vì tính tình không hợp. Dì chờ thằng út vào chăm thì nó bảo phải phụ vợ chăn nuôi, kháp rượu nên không ở chăm mẹ được. Anh con trưởng phải thuê người chăm sóc mẹ trong gần suốt thời gian nằm viện.

Sau đợt bệnh, dì Tư trăn trở mãi về những ngày cuối đời của mình với câu hỏi bỏ ngỏ đáp án: “Mình sẽ nương tựa vào đứa con nào, ở đâu?”. Ngoài 70 tuổi, dì Tư cảm thấy ở với đứa nào cũng không ổn, còn nếu vào viện dưỡng lão thì dì chưa cam lòng, bởi làm thế sợ các con mình mang tiếng bất hiếu. Nhưng cốt lõi là do tính cầu toàn, sĩ diện chưa thuyên giảm nên dì Tư còn do dự, chưa quyết khiến cho tinh thần mỗi ngày một xuống dốc.

Thương con không đều

Cô Bảy Mẫn lúc nhỏ được gọi là tiểu thư miệt vườn, được mọi người quan tâm, cha mẹ chiều chuộng và thương nhất trong số 10 người con bởi cô Bảy thông minh, học giỏi nhất vùng. Cô lập gia đình năm 23 tuổi với người chồng hơn cô 10 tuổi và rất cưng vợ, đã giành hết phần cực khổ trong gia đình còn cô chỉ sinh con rồi đi làm kế toán cho đến tuổi nghỉ hưu.

Hôn nhân của họ kéo dài 25 năm thì dượng Bảy mất đột ngột vì tai nạn, để lại cho cô 2 khối tài sản và 3 người con đang tuổi đi học. Dượng vừa qua đời thì chị con gái đầu lỡ dại mang thai với một gã nghề nghiệp lông bông.

Thay vì thận trọng, cô Bảy và gia đình 2 bên lại chóng vánh đồng ý cuộc hôn nhân và giao vô điều kiện toàn bộ mảnh đất thứ nhất có diện tích 500m2, trị giá hơn 20 tỉ đồng cho vợ chồng đứa con gái, với suy nghĩ đứa con này học giỏi, tính cách mềm mỏng giống mình. Quyết định này là trái với di nguyện của dượng Bảy - mong muốn chia đều mảnh đất cho 2 cô con gái, còn căn nhà thì cậu con trai thụ hưởng để chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.

Thời gian qua nhanh, sau khi cô em gái lấy chồng và cậu em trai cưới vợ thì cô chị tuyên bố xanh rờn với cô em gái: “Em đã theo chồng, cần gì nhận tài sản, trách nhiệm với mẹ để chị và cậu em lo”. Cô em rất buồn nhưng vì muốn gia đình bình an nên tạm gác tranh chấp tài sản để lo cho gia đình nhỏ của mình với 3 đứa con lần lượt chào đời.

Nhưng việc đời khó đoán, cậu em trai thuộc dạng “gà công nghiệp” nên cưới vợ chỉ được 5 năm thì vợ bỏ đi rồi ly hôn. Buồn đời, cậu em nghỉ việc, suốt ngày nằm dài, còn cô Bảy bệnh trầm cảm nặng nên phải nhập viện điều trị. Cô chị chỉ thăm mẹ qua loa còn cô em thì kề cạnh chăm sóc mẹ. Lúc xuất viện, cô chị chở thẳng mẹ ra nhà em gái để né trách nhiệm, với lập luận là con chung ai chăm sóc cha mẹ cũng được.

Điều tréo ngoe là cô chị đang hưởng tài sản nhưng gửi mẹ cho cô em theo chồng. Cô Bảy Mẫn sau khi ổn định bệnh tình thì ít nói hẳn. Cô mong muốn thằng con trai ổn định tinh thần để nó chăm sóc mình. Hoàn cảnh cô Bảy Mẫn thật bi hài: đứa con mình thương nhất thì nó hờ hững với mình, đứa mình hy vọng nhất thì yếu đuối, còn đứa không hợp tính cách với mình, mình không cho tài sản thì nó lại đang nuôi dưỡng, chăm sóc mình.

Cô chưa đủ can đảm để nhận sai lầm nhưng vẫn hy vọng cứu vãn tình huống bằng liều thuốc tiên mang tên thời gian. 

Theo phụ nữ TPHCM