Chị Hạnh Dung thân mến,

Em gặp anh ấy cách đây 5 năm. Em và anh ấy đều từng qua đổ vỡ và có con riêng. Con trai em theo cha sang Mỹ sống, nên em gần như son rỗi, không vướng bận gì. Chồng em hiện tại có 1 con trai, cháu năm nay 21 tuổi, sống với mẹ.

Về ở chung với nhau được 3 năm, em chứng kiến 2 lần con trai anh rơi vào khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng đến mức anh phải sang ở cùng cháu hay đưa cháu đi du lịch xa.

Tính cách cháu yếu đuối và phức tạp. Theo như anh nói, những tính cách đó xuất hiện và ngày càng trở nên nặng nề vì sự chia tay của cha mẹ đúng vào giai đoạn dậy thì của cháu. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến anh luôn nghĩ mình có tội với con và gắng làm bất cứ điều gì để bù đắp cho con.

Cháu theo bạn bè tụ tập, hút thuốc, uống rượu. Người cháu chọn yêu là những cô gái xinh đẹp ăn chơi, và sau một thời gian chơi bời thì họ chủ động chia tay khiến cháu bị khủng hoảng tinh thần và trầm cảm. Vợ anh quá lo sợ nên cầu cứu anh rồi để nhà cho cha con anh sống và chị về bên ngoại.

Hiện đã hơn 1 tháng anh sang ở chung với cháu để canh chừng, uốn nắn. Bây giờ, vợ anh có ý muốn anh đưa cháu về sống chung với anh, vì chị ấy tuyệt vọng, không quản nổi cháu nữa, chị cũng đã có người khác và muốn thêm thời gian cho cuộc sống riêng.

Chỉ nghe vậy em đã thấy sợ hãi và lo lắng. Em nói không sẵn sàng sống chung với cậu con có tính cách bất ổn như vậy thì anh nổi khùng và đòi chia tay. Em nên làm gì đây?

Thanh Hoa (TPHCM)

Ảnh minh họa
 
Ảnh minh họa

Em Thanh Hoa thân mến,

Nhiều người cho rằng lấy vợ hay chồng từng đổ vỡ và có con nhỏ sẽ mệt mỏi, nếu các con riêng đã lớn và trưởng thành thì đơn giản hơn. Thế nhưng câu chuyện của em chứng minh rằng ngay cả khi các con đã lớn, cuộc hôn nhân mới cũng gặp nhiều khó khăn.

Thương người có con riêng là phải thương con người ta - điều này luôn đúng em ạ. Ai cũng yêu thương con và lo cho con nhiều hơn bản thân mình. Trong một gia đình ghép thế này, đừng bao giờ đặt bạn đời vào thế phải lựa chọn.

Dù đã 21 tuổi, nhưng rõ ràng con của chồng em đang rất cần sự giúp đỡ của cha và mẹ. Cháu là con trai và những vấn đề cháu đang vướng vào rất… đàn ông, nên sự có mặt của chồng em, sự góp ý và trợ giúp của chồng em là hợp lý và cần thiết.

Nếu cháu đã bỏ qua những ngại ngùng khi sống với mẹ kế và chấp nhận về ở cùng cha, em hãy xem đó là một điều thuận lợi. Chồng em sẽ vừa được sống cùng vợ, vừa có con trai bên cạnh để chăm sóc, trò chuyện, động viên tinh thần con.

Sự ủng hộ của em lúc này rất quý giá. Tình cảm dịu dàng, sự chăm sóc kín đáo của người vợ dành cho chồng, người mẹ dành cho con của chồng chắc chắn có ý nghĩa rất lớn.

Nếu em hiểu được nỗi lòng của người cha với con trai, nhất là người luôn thấy có lỗi vì đã rời bỏ con khi con đang độ tuổi cần cha nhất, thì em sẽ làm được những điều không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể.

Nếu đủ yêu thương chồng và có thể bao dung với con anh ấy, em sẽ dễ chấp nhận giải pháp anh đưa ra. Còn nhắm thấy thực sự không đủ sức chịu đựng khi sống chung với con chồng, em hãy thử nhẹ nhàng bày tỏ những lo lắng, gút mắc với anh, để vợ chồng tìm giải pháp khác.

Chẳng hạn như giải pháp thuê nhà cho con và anh ở cùng nhau một thời gian, em chỉ thường xuyên lui tới, khi tình trạng cháu khá hơn sẽ tính tiếp. Vợ chồng còn tình cảm với nhau, đừng vội nghĩ đến chuyện chia tay. Chúc em tỉnh táo để giải quyết chuyện nhà mình, em nhé!

Theo phụ nữ TPHCM