leftcenterrightdel
 Ba và dì chỉ thương con chung (ảnh minh họa)

Mẹ mất khi Quỳnh mới 2 tuổi. Bà nội lên ở cùng nhưng ba giành phần chăm sóc Quỳnh. Ba đút cơm, tắm rửa, cắt móng tay… cho Quỳnh. Ba làm tất cả để Quỳnh không cảm thấy thiếu thốn tình mẹ.

Quỳnh 6 tuổi thì ba cưới dì. Ba giao kèo dì phải thương yêu Quỳnh, không la mắng, đánh đập. Quả nhiên dì không bao giờ “đụng” đến Quỳnh. Quỳnh ngủ nướng, dì cũng không gọi. Quỳnh ăn cơm bị nghẹn, ho sặc sụa, dì chỉ nhìn mà không nói gì…

Nhiều lần ba trách dì lạnh nhạt với Quỳnh. Dì nói: “Em không đánh không chửi con, anh còn muốn gì nữa”. Quỳnh thiếu tình mẹ nên muốn gần gũi, thân thiết với dì, nhưng ánh mắt lạnh băng của dì khiến Quỳnh không dám lại gần.

Một năm sau, dì sinh em Liên. Dì sai Quỳnh giặt áo, rửa bình sữa, đưa võng cho em ngủ. Bỗng dưng được dì để mắt tới, Quỳnh mừng trong bụng. Dì sai bảo gì Quỳnh cũng dạ, rồi làm thật tốt để dì khen.

Em Liên bụ bẫm, đáng yêu nên Quỳnh rất thương em. Liên làm vỡ ly, liền chỉ ngay thủ phạm là Quỳnh. Liên vấp té, cũng đổ cho Quỳnh xô em… Ba và dì biết tỏng em Liên dở trò, nhưng chỉ cười. Dì còn khoe khắp xóm, em Liên “nhỏ xíu mà khôn quá trời quá đất”.

Em Liên đi học về tỵ nạnh buộc Quỳnh nấu cơm, tưới rau, còn em bận học bài. Ba giao 2 chị em dọn cỏ vườn. Em Liên chỉ lo bắt dế, bứt cỏ gà chơi, Quỳnh thì cặm cụi làm. Ba rầy la Liên rồi ba cũng thôi. 

Dì hay nói với ba, em Liên khôn ngoan lanh lợi, ra đời chắc không thua ai. Sau này em Liên sẽ làm nên sự nghiệp, mẹ cha được nhờ, còn Quỳnh khờ thế kia, ra đời chắc chắn bị người ta hiếp đáp, chẳng làm nên trò trống gì… Ba không nói gì, nhưng có lẽ cũng tin vào lời “tiên tri” của dì.

Quỳnh học hết lớp 10, dì bảo Quỳnh nghỉ học, đi làm công nhân. Quỳnh nhìn ba, cầu cứu; nhưng ba im lặng. Quỳnh gạt nước mắt xếp sách vở, xin vào làm ở công ty may mặc.

Hàng tháng, dì bảo Quỳnh đưa tiền lương để mua phân bón, lúa giống... Quỳnh chỉ được giữ lại đủ tiền trọ, tiền ăn. Quỳnh muốn được dì thương nên dì bảo sao Quỳnh nghe vậy, không dám cãi.

Một bữa, dì nhắn Quỳnh về gấp, nói nhà mới mất hơn 2 cây vàng, hỏi Quỳnh có lấy không. Hỏi ra mới biết, trước đó Liên cảnh báo nhà mình trống trước trống sau, ba mẹ thì hay đi làm đồng, để vàng trong tủ dễ bị kẻ trộm lấy. Ba mẹ nghe lời Liên, mang vàng chôn dưới gốc nhãn. Giờ số vàng không cánh mà bay.

leftcenterrightdel
 Quỳnh cực khổ vì gia đình nhưng dì chưa bao giờ xem Quỳnh là con (ảnh minh họa)

Thấy ba và dì rầu rĩ, Quỳnh còn đôi bông tai trên người cũng lột đưa dì để an ủi dì. Liên ngồi gần đó, thản nhiên bấm điện thoại. Chiếc điện thoại mới giá hơn chục triệu của Liên, Quỳnh nghi lắm nhưng không dám nói ra. Mà, có nói chắc gì ba và dì đã tin Quỳnh…

Liên học lớp 12, ba căn dặn Quỳnh ráng dành dụm cho em vào đại học. Quỳnh tăng ca liên miên, có khi cả ngày Quỳnh chỉ ngủ 3 giờ. Quỳnh mua cho ba áo mới. Ba hờ hững: “Con đừng mua gì cho ba. Con để dành tiền cho em con ăn học, ba mới vui”. Quỳnh lặng lẽ chảy nước mắt. Từ lúc nào ba đã không xem Quỳnh là con? Từ lúc nào Quỳnh đã vắng bóng trong những quan tâm, yêu thương của ba? Từ lúc nào niềm vui của ba chỉ là em Liên học hành tấn tới?...

Em Liên thông báo đã đậu vào trường Đại học Kinh tế. Ba và dì mở tiệc ăn mừng. Ba bán hết số lúa để mua cho Liên xe máy mới. Quỳnh gom tiền dành dụm, vay mượn thêm để em đóng học phí năm đầu. Ba giao Quỳnh hàng tháng lo tiền xài, tiền trọ cho em… Quỳnh bạc mặt tăng ca để kiếm tiền, miệt mài cố gắng để ba và dì không ghét bỏ.

Hết năm học, Liên về nhà với bụng bầu đã hơn 5 tháng. Ba và dì chết lặng. Chuyện đó chưa kinh khủng bằng Liên thú thật chưa bao giờ đậu đại học, thậm chí là rớt tốt nghiệp phổ thông. Số tiền cả nhà chu cấp bấy lâu, cả chiếc xe máy cũng bị người tình của Liên lừa mất rồi…

Ba lên huyết áp, ngất xỉu. Cả nhà luýnh quýnh đưa ba vào bệnh viện. Ba tỉnh lại, cầm tay Quỳnh nghẹn ngào: “Thì ra cả đời ba chỉ trông cậy vào con. Ba lận đận lao đao cũng chỉ có con bên cạnh”. Quỳnh chảy nước mắt thương ba. Quỳnh chỉ mong ba đừng quá đau lòng, sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Ba hiểu được lòng dạ của Quỳnh, vậy là đủ.

Có thể ai đó chê Quỳnh khờ khạo, nhưng Quỳnh vẫn chọn là đứa con hiếu thảo, hy sinh vì gia đình. Quỳnh luôn tin người sống chân thành và thiện lương, cuộc đời rồi sẽ bình an.

Theo phụ nữ TPHCM