Chị Hạnh Dung kính mến,

Em là biên đạo múa, có con 7 tuổi. Chồng em lớn hơn em 2 tuổi, từng làm ngành bất động sản. Theo nghề múa, em từng vấp phải rất nhiều ngăn cản của gia đình đôi bên. Giai đoạn đó, chồng em ủng hộ, đưa em đi học ở những người thầy giỏi.

Sinh con xong, nghề biên đạo của em bỗng phát triển. Em nhận được nhiều hợp đồng từ các đơn vị, công ty, thu nhập khá ổn. Vì yêu nghề, vì muốn tự lập, em không ngại vất vả chạy sô. Rồi dịch bệnh, chúng em khủng hoảng kinh tế trong một giai đoạn. Chừng 2 năm nay, công việc của em trở lại bình thường còn chồng em thì vẫn ở nhà chơi game.

Ban đầu em không hề nghĩ ngợi về việc mình đi làm nuôi gia đình. Bản thân em rất biết ơn chồng đã ủng hộ em theo nghề múa. Nhưng rồi em ngày càng nặng nề khi chồng có rất nhiều cơ hội đi làm nhưng anh chỉ ngồi im “chờ thị trường bất động sản sôi động trở lại”. Anh nói đã từng làm sếp (quản lý bộ phận sale trong một công ty), bây giờ lại đi làm nhân viên trái ngành thì anh không làm được.

Anh nói vậy, em cũng không thể ép. Nhưng những lúc công việc mệt mỏi, những chuyến chạy sô đầu tắt mặt tối, hay khi đang bệnh mà vẫn phải gượng dậy đi làm, em lại chạnh lòng. Em ước chồng chịu đi làm, dù là chạy xe ôm công nghệ tháng vài triệu đồng, em cũng thấy được an ủi. Suy nghĩ đó làm em không còn hứng thú hay vui vẻ với chồng.

Khi thấy em mệt mỏi, lầm lì, anh lại nói: “Em làm quá sức rồi đó, sao không biết cân đối thời gian”. Nghe vậy, em thấy bi phẫn. Em đâu được phép dừng làm việc. 

Mỗi lúc đưa tiền cho chồng, em thấy mình như cây ATM, vừa tủi thân vừa ấm ức. Em ra ngoài hay được đại gia săn đón. Em luôn hiểu đó là cạm bẫy. Nhưng những lúc quá mệt mỏi với kinh tế gia đình em đã nghĩ đến việc sa vào vòng tay ai đó, dù chỉ là để đỡ mệt với tiền bạc thôi cũng được. Xin chị cho em lời khuyên.

Ánh Tuyết (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Ánh Tuyết mến,

Khi chưa thử giải quyết chuyện trong nhà thì khoan hãy nghĩ đến những giải pháp bên ngoài. Đó là chưa kể đến chuyện giải pháp bên ngoài kia nghe chừng “lành ít rủi nhiều”. Sa vào vòng tay đại gia làm em đỡ mệt về tiền, nhưng mệt nhiều cái khác, lại mất đi phẩm giá mà em vốn rất tôn trọng.

Chuyện vợ chồng em cần phải được giải quyết, em càng chịu đựng thì chuyện càng đi xa. Theo Hạnh Dung hiểu, chồng em không hề biết đến nỗi khổ tâm của em.

Có vẻ trong cái nhìn của chồng, em vẫn đang lo tốt tài chính gia đình. Anh đã quen với việc em chạy sô từ khi kinh tế gia đình còn ổn thỏa nên cũng không nghĩ việc mình ở nhà lại làm vợ vất vả hơn. Chính vì vậy, em nhất thiết phải chia sẻ với chồng về những gánh nặng tâm lý, tài chính và cả sức khỏe mà em đang đối diện.

Hãy cho chồng biết em đang kiệt sức với việc gánh vác tài chính; rằng tình hình sức khỏe, tinh thần của em và tình hình tài chính gia đình hiện tại không ổn, cần tổ chức lại việc tìm thu nhập và đảm bảo sức khỏe của em.

Theo đó, vợ chồng em cần tính toán chi tiêu trung bình hằng tháng của gia đình, từ đó tính ra những đầu việc mà cả hai cần làm để đảm bảo thu nhập tương ứng. Dựa vào tính toán đó, em và chồng sẽ nhìn nhận tần suất làm việc hiện tại của em - đồng thời nhận ra sự quá tải một cách trực quan.

Vợ chồng cần giúp nhau tính ra một tần suất làm việc hợp lý để em có thể vừa kiếm tiền, theo đuổi đam mê, vừa đảm bảo sức khỏe lâu dài. Sau khi tính được năng suất làm việc hợp lý, em cũng sẽ tính được mức thu nhập em có thể đảm đương cho gia đình. Phần còn lại, cần có sự chia sẻ của chồng.

Lúc này, bài toán đã rất rõ ràng. Việc chồng em ra ngoài đi làm không còn là chuyện thích hay không thích, có “đúng nghề hay trái nghề”. Thực tế là khi điều kiện không cho phép, ta buộc phải làm việc để kiếm sống, để thực hiện trách nhiệm của một người trưởng thành, trước khi làm vì đam mê.

Hãy cởi mở, chân thành và thẳng thắn. Chỉ có như vậy, em mới giúp mình và giúp chồng nhìn ra thực tại của gia đình và nhìn thấy trọng trách của bản thân để có hướng hành xử đúng.

Theo phụ nữ TPHCM