Nếu thuộc thế hệ “thiên niên kỷ” (millennials), nay đã ở độ tuổi 30-40, bạn hẳn còn nhớ văn hóa giảm cân độc hại xuất hiện trong khoảng thập niên 1990. Khi ngắm nhìn nhóm người mẫu nội y quyến rũ trên sân khấu Victoria’s Secret, không ít phụ nữ ước ao, thậm chí so sánh để rồi bất giác chán ghét bản thân.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vào giai đoạn đó, hội chứng rối loạn ăn uống bắt đầu được chú trọng như một bệnh lý tinh thần mang tính thời đại. Nó đồng thời phản ánh một vấn đề xã hội có thể lan tràn như dịch bệnh.

“Một người lớn tiếp thu văn hóa ăn kiêng tai hại sẽ ảnh hưởng lệch lạc ra sao đến tư duy của thế hệ trẻ trong gia đình?” - Alexandra D’Amour - tác gia, nhà báo người Mỹ chuyên về đề tài phụ nữ và gia đình - băn khoăn. Hàng loạt nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra những người mẹ thường xuyên để tâm tới việc khống chế cân nặng và phàn nàn về hình thể có khả năng dẫn dắt con gái họ hành xử tiêu cực không kém, từ đó phải chịu đựng bệnh tật liên quan đến ăn uống.

Tiêu chuẩn hay ám ảnh?

2 thập niên qua, công chúng bắt đầu nhận ra góc khuất của các phương thức giảm cân - làm đẹp lợi bất cập hại. Phong trào nữ quyền cổ vũ phái đẹp yêu thương, chấp nhận khác biệt ngoại hình trỗi dậy gần đây góp phần làm thức tỉnh nhiều người về cách ngành kinh doanh sắc đẹp thao túng tâm lý khách hàng.

Thế nhưng, một nỗi lo khó tiêu trừ vẫn còn giày vò phụ nữ hiện đại: sự già đi.

“Có một hiện tượng tôi gọi là “những người mẹ thẩm mỹ”. Giới trẻ rất dễ bị tác động bởi người nhà, nhất là cha mẹ. Trông thấy mẹ họ đam mê thẩm mỹ viện, đầu tư lớn vào mỹ phẩm hằng ngày, cộng thêm tiếp thu từ mạng xã hội, một số thanh thiếu niên dần biến tiêu chuẩn cái đẹp họ cảm nhận được quanh mình thành một loại ám ảnh khó dứt bỏ” - Jessica DeFino - một nhà văn nữ viết về lĩnh vực làm đẹp - chia sẻ.

Đẹp nhất khi là mình

Johanna Almstead - chuyên gia làm việc trong ngành thời trang - nhắc đến “cơn sốt” chăm sóc da - trang điểm chống lão hóa ở nhóm các bà mẹ cũng là bạn bè cô trên mạng xã hội: “Trào lưu này đã lây nhiễm vào các bé gái, thiếu nữ. Tôi từng thấy trường hợp phụ huynh mua đồ trang điểm cho con gái vị thành niên. Đôi khi họ không để ý rằng có những sản phẩm không hề phù hợp với lứa tuổi ấy”.

Theo D’Amour, một số phụ nữ vừa là nạn nhân, vừa vô tình thúc đẩy văn hóa làm đẹp độc hại tiếp tục gây sức ép đến thế hệ sau. “Nhưng nghĩ ngược lại, nếu biết yêu thương, trân trọng bản thân, một người mẹ có thể truyền dạy cho con mình năng lượng tích cực tương tự nhằm bảo vệ đứa trẻ khỏi tư duy sai lệch. Tôi thích ngắm gương mặt bầu bĩnh, ngây thơ của con gái. Tôi luôn muốn con biết con đẹp nhất khi là chính mình” - cô bày tỏ.

Theo phụ nữ TPHCM