Nhập nhằng về tiền bạc 

Tài chính, nhìn chung, luôn có thể là nguồn gốc gây ra áp lực cho hôn nhân, bất kể trong 5 năm đầu hay 20 năm tiếp theo. Đối với nhiều cặp vợ chồng son thiếu kinh nghiệm quản lý tài sản chung lẫn cá nhân, nguy cơ xung đột càng cao hơn. 

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

“Vào buổi đầu hôn nhân, ít người nghĩ đến tình huống một khoản nợ cá nhân có thể đe dọa mối quan hệ của họ với bạn đời. Thế nhưng, khi giai đoạn yêu đương nồng nàn trôi qua, gánh nặng kinh tế sẽ lần nữa ám ảnh chúng ta, nhất là những khoản vay lớn vì nhu cầu riêng (học tập, công việc…). Nếu không giải quyết minh bạch, thỏa đáng từ sớm, sự nhập nhằng tài chính dễ dàng kéo theo đủ loại tranh cãi, rắc rối về sau.

Khi bắt đầu có dự định sinh con và tạo lập tài sản chung, vợ chồng càng cần tương trợ nhau trong chuyện tiền bạc. Những khúc mắc chất chồng trước đó dễ dẫn tới tình cảnh người chiếm ưu thế về mặt kinh tế sẽ chi phối, gây sức ép với người còn lại” - Devon Slovensky - nữ luật sư chuyên thụ lý các vụ án hôn nhân gia đình, hiện công tác ở bang Virginia (Mỹ) - chia sẻ. 

Xem hôn nhân là lối thoát

Cũng có một số cặp đôi lựa chọn kết hôn trước khi suy ngẫm nghiêm túc về người sẽ ở bên họ cả quãng đời còn lại. “Chọn cưới ai là quyết định quan trọng nhất với phần lớn mỗi người. Đáng tiếc, trên thực tế, tôi đã chứng kiến không ít đôi vợ chồng đến với nhau đơn thuần vì xúc động nhất thời. Suy xét thiếu cặn kẽ thường dẫn đến kết thúc buồn, gây ra tình trạng ly hôn sớm” - Paul Mitassov - chuyên gia tư vấn luật hôn nhân gia đình đang làm việc tại Canada - nhận xét. 

Ảnh mang tính minh họa - Teksomolika
Ảnh mang tính minh họa - Teksomolika

 

Hiện nay, trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây vẫn tồn tại tư duy có phần bảo thủ, xem hôn nhân như giải pháp chữa lành mọi vấn đề. “Đây là một trong những ý tưởng sai lệch nhất tôi từng thấy. Một người tuyệt đối không nên kết hôn vì mong muốn cả hai có thể tìm ra lối thoát tâm lý, rằng khuyết điểm ở bạn đời có thể được cải thiện đơn giản nhờ hôn nhân. Chẳng hạn, người chồng thích tiệc tùng không thể lập tức từ bỏ thói quen ấy vì vợ mình - một phụ nữ thích sống bình lặng. Nếu vợ/chồng tương lai không khiến bạn thực sự yên tâm, đừng vội lao vào hôn nhân để rồi ngày nào đó phải dừng lại trong hối tiếc” - luật sư - tư vấn viên người Mỹ Libby James đưa ra lời khuyên.

Thiếu nỗ lực kết nối 

Bước sang năm thứ năm, khi con cái đã ở độ tuổi tương đối cứng cáp, nhiều cặp vợ chồng lấy lại cảm giác tự do nhất định. Nếu đã tích tụ mâu thuẫn từ trước, đây là thời điểm họ có khuynh hướng muốn “giải thoát” cho nhau. Một mối đe dọa thường trực là sự kết nối tinh thần rời rạc. 

Trong hôn nhân, chúng ta không muốn cảm thấy bị bỏ lại. Việc mỗi bên tự gồng gánh trách nhiệm riêng, không nói ra nỗi lo âu cũng có thể khiến 2 người ngày càng xa cách. Cảm giác chia cách chậm rãi nhưng nguy hiểm ấy sẽ từ từ giết chết mối quan hệ. Suy cho cùng, kết hôn chính là để đi tìm sự kết nối chân thành. 

Theo phụ nữ TPHCM