Trên mạng có một cô người yêu cũ "bóc phốt" một anh đã có vợ. Cô ấy phơi bày nỗi khốn cùng của mình từ buổi này qua buổi khác, khiến tôi và vài người bạn hỏi nhau, rằng liệu có phải cô ấy đang có vấn đề về kiểm soát cảm xúc và bất ổn về tâm lý?

Tâm lý nạn nhân (victim mentality) là một thuật ngữ tâm lý học. Người mang tâm lý nạn nhân tin rằng cuộc sống luôn bất công với mình. Họ đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác, đó có thể là lỗi của gia đình, đồng nghiệp, đối tác, bạn bè hoặc “cách thế giới vận hành”, họ chỉ là nạn nhân, trách nhiệm của tất cả mọi điều bất như ý đều không thuộc về họ.

Thật ra trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều người mắc phải tâm lý này, có thể vì thói quen hoặc đơn thuần là vì nó khiến tâm trạng của chúng ta dễ chịu. Một đứa trẻ khi bị té, ông bà vì xót cháu mà mắng cái bàn hay mặt đất… là ví dụ dễ thấy nhất cho việc đổ lỗi. Lớn lên, trẻ đi học không làm được bài có thể đổ lỗi do bài khó, cô giáo dạy không hiểu…

Trong bộ phim Hàn Quốc mang tên Cô đi mà lấy chồng tôi nổi tiếng gần đây, vai nữ phụ Jung Soo Min (do Song Ha Yoon thủ vai) được xây dựng như một người mắc tâm lý nạn nhân.

Chính Jung Soo Min chọn lựa và hành động sai trái, như quyến rũ bạn trai của nhân vật nữ chính; không ít lần cô hãm hại, đưa nữ chính vào đường cùng. Tuy thế, đến cuối phim, ngay khi đã vào tù, cô vẫn thấy mình là nạn nhân đau khổ và không hiểu vì sao bạn thân hạnh phúc, còn cô chỉ gặp bất hạnh. 

leftcenterrightdel
 Một cảnh trong phim Cô đi mà lấy chồng tôi, nhân vật này chỉ biết đổ lỗi cho người khác (cảnh cắt từ phim)

Người bạn tên An từng nhắn tin than thở với tôi. Em tức giận vì chồng cũ không nghe máy, trong khi con chung của họ đang bệnh và bản thân em đang cảm thấy cuộc đời mình đầy bi kịch còn người đẩy em vào bi kịch không ai khác là chồng cũ.

Tôi hỏi: "Thế giờ em cần gì? Bé Chíp đã ổn chưa?".

An thổn thức: "Chíp vừa uống thuốc, hạ sốt em sẽ cho đi khám bệnh. Nhưng tại sao ba Chíp không nghe máy? Em chỉ muốn báo là con bệnh, tại sao hắn lại vô tâm như thế?".

Tôi hỏi: "Thế em cần ba Chíp biết con bệnh để làm gì? Để cuống cuồng lên, để nháo nhào qua nhà em, để xin lỗi em xin lỗi con phải không?".

Em im lặng. Tôi hỏi thêm: "Rồi em nghĩ sau đó sẽ là gì?".

Vài giây sau, em lí nhí: "Rồi sẽ như cũ, rồi anh ấy sẽ về với gia đình anh ấy, em với Chíp vẫn sống như vậy. Nhưng ly hôn là do anh ta vô tâm, chứ không phải lỗi của em".

"ừ, không phải lỗi em hay lỗi em đi nữa, thì điều đó có còn quan trọng không? Vấn đề em phải hiểu rằng em và ba Chíp đã ly hôn, là em phải có trách nhiệm với cuộc sống của em và Chíp. Chứ không phải là làm sao để ba Chíp quan tâm và giải quyết các vấn đề cho mẹ con em", tôi tiếp tục.

Có lẽ An sốc khi có người nói thẳng với em như vậy. Vài ngày sau, khi cảm xúc tiêu cực qua đi, cô ấy nhắn cho tôi: "Thôi, em không đóng vai nạn nhân nữa, để đời mình mãi chìm trong tâm lý nạn nhân". 

Tôi kể câu chuyện trên có thể khập khiễng so với việc của cô gái trên mạng, nhưng tôi vẫn ước gì có ai đó có thể nói cho cô người yêu cũ xinh đẹp kia rằng: Hãy ngừng coi mình là nạn nhân. Hãy biết chịu trách nhiệm cho mọi hành động, đừng để bản thân mất kiểm soát, mạng xã hội không phải nơi bạn muốn nói hay phơi bày bất cứ gì. Sảy một ly đi một dặm, hậu quả sẽ rất khó lường...

Theo phụ nữ TPHCM