leftcenterrightdel
 Thói quen tích trữ đồ cũ của chị làm ngôi nhà trở nên chật chội, ngột ngạt (hình minh hoạ)

Anh ốm, đồng nghiệp đến nhà thăm, chị rót nước mời khách. Anh ngao ngán nhìn mặt bàn với 7 cái ly đủ kích cỡ, hoạ tiết, thậm chí có cái mẻ ở vành miệng. Bộ thìa dĩa ăn trái cây cũng thế, cái dài cái ngắn không đều.

Khách vừa về, anh bực bội hỏi: “Bộ ly tách mới đâu mà em đem toàn mấy thứ cũ rích ra thế”. Chị nhẹ giọng trả lời: “Không biết để ở chỗ nào, gấp quá em tìm không ra”.

Anh gằn giọng: “Em vứt hết đồ cũ không dùng đi, nhà để ở chứ có phải cái kho chứa đồ”. Thấy anh nổi giận, chị không dám to tiếng như mọi lần.

Chị có thói quen tích trữ đồ cũ nên chỗ nào trong nhà cũng đầy đồ đạc. Có những thứ mấy năm trời không đụng đến nhưng chị không vứt. Áo quần cũ của cả nhà, sách vở học từ năm lớp Một của 2 đứa con còn nguyên, hoá đơn tiền điện nước từ mấy năm trước, chữ đã mờ vẫn cất không thiếu cái nào.

Đã nhiều lần, anh chị to tiếng với nhau về chuyện này. Chị một mực bảo vệ quan điểm của mình: “Sống phải có tích có phòng, chứ đụng gì vứt nấy thì lúc cần lấy đâu ra mà dùng. Chẳng lẽ hở chút là đi mua”.

Anh nhiều lần góp ý nhưng chị không nghe, luôn tìm cách chứng minh mình đúng. Đợt sửa nhà, chị lấy áo quần cũ ra làm giẻ lau dọn rồi tự hào nói với anh: “Anh thấy không, nếu không cất thì giờ lấy gì mà dùng”.

Thực tế, số áo quần đó chỉ là một phần nhỏ trong đống đồ cũ của chị. Khi sơn cửa, dù thợ đang đợi nhưng chị không cho anh đi mua tấm bạt mới che đồ cho khỏi bụi vì khẳng định trong nhà còn có mấy tấm cũ. Nhưng mất nửa ngày, chị cũng không tìm thấy thứ cần dùng trong đống đồ đạc lộn xộn.

Chị thích dùng đồ cũ, đồ mới mua về chỉ cất vào tủ. Anh đã đem về nhà rất nhiều bộ ly tách đẹp được đối tác tặng, nhưng ly uống nước nhà anh được góp nhặt từ hàng khuyến mãi nên mỗi cái mỗi kiểu.

Anh hiểu thói quen đó của vợ có lẽ bị ảnh hưởng từ một thời sống khổ cực nên phải tiết kiệm để phòng khi thiếu thốn. Nhưng thấy vợ quá cực đoan, anh rất khó chịu, cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt.

Có đợt, nhân lúc chị đi tham quan cùng công ty, cha con anh dọn dẹp nhà cửa, gọi ve chai bán bớt đồ cũ. Những thứ anh thanh lý đều nhiều năm không dùng đến như bàn học cũ của con, cái bình đun nước bị cháy, chai lọ nhựa, hộp xốp, thùng các-tông… Vậy mà chị giận anh gần 1 tháng. Anh đành nhịn cho êm ấm nhà cửa, cơi nới thêm phòng kho cho chị để đồ, nhưng chỗ chứa đồ càng rộng chị càng tích trữ nhiều hơn.

Tuần trước, khi con trai phải đi cấp cứu vì bị sốt xuất huyết, vợ chồng chị lục tung cả nhà để tìm thẻ bảo hiểm y tế. Anh cằn nhằn, chị chỉ im lặng. Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân gây bệnh do không gian sống ẩm thấp chật chội nên muỗi nhiều, cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng để phòng bệnh. Con vừa đỡ bệnh thì anh lại nhập viện và chị tất bật lo lắng. Lúc đó, chính chị cũng thấy mệt mỏi vì đống đồ đạc cũ, khi cần tìm gì cũng mất rất nhiều thời gian do không nhớ để ở đâu.

Dọn dẹp thanh lý bớt đồ cũ làm tâm trí chị nhẹ nhàng hơn. (hình minh hoạ)
Dọn dẹp thanh lý bớt đồ cũ giúp tâm trí chị nhẹ nhàng hơn (hình minh hoạ)

Chị chưa kịp dọn dẹp lại thì đồng nghiệp anh đến thăm anh. Chị định lấy bộ ly tách mới ra mời khách, nhưng không tìm thấy đâu. Lần đầu tiên, chị thừa nhận anh đúng và bắt tay dọn bỏ đồ đạc cũ.

Chị bắt đầu từ căn bếp, thanh lý chén đũa, nồi chảo cũ, sắp xếp lại tủ áo quần gửi đồ cũ cho các nhóm từ thiện. Mất gần 10 ngày chị mới sắp xếp gọn gàng căn nhà. Chị không ngờ mình có thể cất giữ nhiều “rác” đến thế, nhưng nhìn thứ gì chị cũng thấy tiếc, không muốn "chia tay".

Sau những giằng co, chị đành đứt ruột "tiễn chúng lên đường". Thật ngạc nhiên khi chị có cảm giác nhẹ nhõm và anh cũng vui vẻ hơn, ngôi nhà như được thổi một làn gió mới.

Theo phụ nữ TPHCM