Chị Hạnh Dung kính mến,
Em mới về nhà chồng được 6 tháng. Tiền em để trong túi xách, cất ở phòng riêng, lúc em xuống dưới làm việc nhà thì em chồng lẻn vào phòng lấy. Có hôm vài trăm ngàn, có khi 1 triệu đồng.
Em âm thầm để camera, quay được cảnh đó thì mới nói chuyện với em chồng. Em ấy nhận lỗi, nói sinh viên nhiều chi phí nhưng không tiện xin ba mẹ nên mới làm bừa.
Chồng em cũng bảo ban em trai, rồi dỗ dành em rằng em nó còn bồng bột nên anh chị âm thầm chỉ bảo là được rồi, đừng phiền đến ba mẹ.
Sau đó em chồng khó chịu, bắt bẻ đủ điều. Trong bữa ăn, hễ có em thì cậu ấy lầm lì. Oái oăm là khi vắng mặt em chồng, mẹ chồng lại dạy em: “Em chồng đang tuổi bướng nên con cứ kệ nó. Có dạy dỗ, góp ý gì thì nói với ba mẹ, giữ gìn để chị dâu em chồng vui vẻ với nhau”.
Em rất ức, muốn nói sự thật với ba mẹ, nhưng chồng em không đồng ý. Chuyện lên đến đỉnh điểm vào một buổi sáng, vợ chồng em đang vội đi làm, em chồng cũng chuẩn bị đi học. Em ấy mở tủ giày tìm không thấy giày của mình thì hất tung cả tủ lên, cằn nhằn:
“Dọn dẹp mà không biết sắp xếp, mỗi lần tìm đồ lại bực mình vì cái thói vô tri”; trong khi, ai cũng biết em chính là người dọn dẹp, sắp xếp tủ giày. Em quá ức nên bật khóc tại chỗ. Ba mẹ chồng đều chứng kiến cảnh ấy.
Chiều đó, mẹ chồng gọi em ra tâm sự, rằng em trai dạo này rất bướng, ba mẹ cũng đau đầu. Chứng kiến cảnh em bị tổn thương, mẹ cũng đau lòng.
Mẹ gợi ý vợ chồng em ra ở riêng, “xem như đây là giai đoạn khó khăn của gia đình, ba mẹ cần tập trung dạy dỗ em chồng”. Mẹ nói sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ.
Chồng em gạt phăng ý định này của mẹ, nói anh chị không vì giận em mà phải tránh mặt. Bản thân em cũng không muốn ra riêng vì em biết lý do em chồng hành xử như vậy và em muốn làm sáng tỏ, lật bài ngửa cho ba mẹ hiểu, nhưng chồng em không đồng ý.
Hồng Hạnh (quận 4, TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Hạnh mến,
Ở đây có 4 vấn đề: chuyện lấy trộm tiền của em trai, mối quan hệ giữa em chồng và chị dâu, nỗi lo của ba mẹ về việc dạy dỗ em chồng và chuyện chỗ ở của vợ chồng em.
Trước hết, em cần nói chuyện với chồng để biết hướng giải quyết của anh ấy. Nếu không ra riêng, anh ấy định giải quyết căng thẳng giữa chị dâu và em chồng thế nào? Phương án để bảo ban em trai ra sao? Nếu không nói sự thật về việc em chồng lấy tiền của chị thì anh ấy định làm gì để giúp ba mẹ đỡ bế tắc với việc dạy em trai?
Cần nói rõ cho chồng biết là em khổ sở, bứt rứt thế nào khi bị em chồng làm khó và việc này cần phải giải quyết, không thể kéo dài. Hy vọng rằng chồng em đã có phương án. Tùy vào phương án của anh ấy mà em góp ý để cùng nhau tháo gỡ.
Hạnh Dung chú ý việc chính em cũng không muốn ra riêng, nghĩa là ngoài vấn đề với cậu em, cuộc sống của em khá ổn, em có tình cảm rất tốt với nhà chồng. Đây là nền tảng để em có thể giải quyết mọi việc êm đẹp.
Nếu chồng em chưa có phương án, em hãy nhớ 4 vấn đề Hạnh Dung liệt kê bên trên, cân nhắc từng việc một, không sa vào chuyện riêng lẻ nào mà bỏ quên những vấn đề còn lại. Trước mắt, có thể tạm gác chuyện ra riêng vì cả 2 vợ chồng đều không muốn.
Vậy, việc cấp bách nhất là hóa giải mối quan hệ giữa chị dâu và em chồng. Chồng em hoặc chính em cần tiếp cận em trai để trò chuyện, chia sẻ những buồn phiền của em và khơi gợi cho em trai chia sẻ khó khăn hay vướng mắc (nếu có) của em ấy.
Hãy bày tỏ thiện chí hòa thuận, hỗ trợ, vui vẻ giữa anh chị em trong nhà; đồng thời cũng đề nghị em trai tôn trọng anh chị. Nếu giải quyết tốt việc này, có thể vợ chồng em sẽ đỡ đần được ba mẹ trong việc bảo ban em trai.
Sau khi cởi mở và thẳng thắn với em trai, dù kết quả thế nào, cũng nên chia sẻ câu chuyện với ba mẹ. Chồng em giấu ba mẹ là muốn ông bà không phiền lòng. Nhưng thực tế là ông bà đang rất đau buồn mà lại không rõ cơn cớ, đang rất nỗ lực hóa giải mà không biết manh mối. Chi bằng hãy nói rõ để ông bà đỡ mày mò trong vô vọng.
Nếu mọi chuyện không thuận buồm xuôi gió, hãy nghĩ đến sức khỏe tinh thần của bản thân trước. Ra riêng để đỡ ức chế tâm lý và cũng đỡ áp lực cho ba mẹ chồng khi em chồng chưa có chiều hướng thay đổi cũng là một cách, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM