Em gái con 18 tuổi thổ lộ đang được một anh tính tình chu đáo, tế nhị, ấm áp theo đuổi. Em giấu con danh tính người đó, bắt con hứa không tiết lộ bí mật này cho cha mẹ và phải luôn ủng hộ em hết mình. Nhìn em hạnh phúc trong rung động đầu đời, con cũng vui lây. 

Tuần trước, con tình cờ phát hiện người em con đang có cảm tình chính là chàng trai con “cảm nắng” hồi học phổ thông. Đó là kẻ ngạo mạn, tàn nhẫn khi đã nói thẳng vào mặt con giữa sân trường: “Nghĩ sao dám yêu tôi?” rồi bô bô đọc lá thư tỏ tình trước đó con lén bỏ vào cặp, mặc con đứng chết trân giữa đám bạn đang hò hét cười giỡn.

Sau lần đó, con suy sụp mất 1 học kỳ mới khuây khỏa được. Nay biết “kẻ thù cũ” đang theo đuổi em gái mình, nỗi ấm ức tủi hờn mấy năm trước lại sôi sục. Con phải góp ý cho em gái sao đây?

Nguyễn Ánh Ph. (TPHCM) 
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chuyện thích một người nhưng người ấy chẳng màng mà đem lòng yêu người khác xảy ra khá phổ biến. Nhiều cô gái không đành lòng khi nhìn thấy thứ gì đó (tưởng như là) của mình bị người khác lấy mất. Nhiều cô cảm giác đã đánh mất thứ gì đó mà thực ra nó chưa hề thuộc về mình. Nhiều cô bất mãn hoặc tủi thân khi chứng kiến kẻ từng đối xử rất tệ với mình nay lại ngọt ngào tử tế với người khác…

Xét cho cùng, giữa cháu và chàng trai ấy chẳng có mối quan hệ tình cảm nào, chỉ là cháu từng đơn phương “cảm nắng” người ta và bị họ xử sự thô vụng (không để ý đến cảm xúc của cháu, có hành động thô lỗ và nặng lời với cháu ngay chỗ đông người, không ngần ngại cho bạn bè thấy những gì cậu ta nghĩ về cháu).

Chuyện thích ai đó mà không được đáp lại theo ý mình là hết sức bình thường, không phải là điều xấu để cháu phải giấu giếm. Hãy lựa cách kể lại với em gái câu chuyện thời đi học, phòng khi em cháu đưa bạn trai về ra mắt gia đình, cháu và anh kia có thái độ lúng túng trong buổi gặp sẽ gây hiểu lầm cho em ấy. Dù nghe xong câu chuyện, em gái cháu có phản ứng thế nào (có biểu hiện không tin chị, bênh vực bạn trai…) thì cháu cũng nên tôn trọng, đừng vì nóng ruột mà dùng những chiêu cấm cản. Bởi đứng về lý, cả về mặt pháp luật lẫn về mặt quan hệ gia đình, cháu chẳng có quyền can thiệp vào chuyện tình cảm của một đứa em đã trên 18 tuổi. Đứng về tình, đây không phải là chuyện “tình chị duyên em”, chỉ đơn giản là tình cờ người cháu thích hồi trước nay lại yêu em cháu. 

Cháu có thể “hai mặt một lời” với người bạn cũ, hẹn cậu ta ra quán cà phê “nói chuyện phải quấy” để thanh toán dứt điểm “món nợ”. Đôi khi chỉ cần một lời phân trần và xin lỗi chân thành, lòng tự tôn của cô nữ sinh cấp III ngày nào sẽ được xoa dịu.

Sau một thời gian tìm hiểu, nếu thấy cậu ta đủ tử tế và nghiêm túc với em gái mình, cháu nên ủng hộ “mối lương duyên” của họ. Nếu thấy mối quan hệ giữa 2 người trục trặc thì tốt nhất cháu nên lịch sự đợi khi nào em ấy hỏi ý kiến mới tham gia vào, nhất là nếu chẳng may em bị người đời “dạy cho một bài học”, hãy sẵn sàng thông cảm, an ủi, khuyên nhủ em. Chuyện tình cảm đừng đem ra tranh cãi. Ai đó đã nói rằng các cuộc thảo luận luôn tốt hơn tranh luận bởi một cuộc tranh luận là để tìm ra ai đúng, trong khi một cuộc thảo luận là để tìm ra điều đúng đắn.

Theo phụ nữ TPHCM