|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chị than thở dạo này mấy cha con như “đình công” trên bàn ăn, món gì cũng chỉ ăn vài miếng rồi thôi. Chị còn ức chế hơn khi phát hiện chồng đem 2 đứa con đi ăn những món chị “cấm” ở nhà.
Chị nói chắc do trời nắng nóng nên cả nhà biếng ăn. Nhưng khi tôi kể cách đây 1 tuần, chị đi liên hoan, anh và 2 đứa con sang nhà tôi ăn cơm lại rất ngon lành. Chị nhíu mày hỏi: “Thế hôm đó em nấu những món gì?”.
Tôi nói: “Thì dưa cà vả chấm ruốc, canh diếp cá nấu thịt băm, cá hộp xốt cà chua thôi chị”. Chị thở dài: “Vậy là đúng gu của 3 cha con rồi. Anh rất thích ăn rau diếp cá rồi mấy món chấm ruốc; 2 đứa nhỏ thì thích ăn đồ hộp. Nhưng ở nhà chị không nấu bao giờ. Ruốc mặn, ăn nhiều không tốt; rau diếp cá tanh quá, còn đồ hộp không tốt cho bọn trẻ”. Chị tỏ ý nghi ngờ: “Hay do ăn cơm nhà em mà 3 cha con bỏ cơm nhà nhỉ”, làm tôi bật cười.
Chị ở cùng dãy chung cư với gia đình tôi, nổi tiếng kỹ tính và sạch sẽ trong chuyện ăn uống. Ngoài giờ đi làm hành chính, tối về chị còn làm sữa chua, rau câu bán quanh khu nhà để tăng thu nhập. Mọi người thích mua đồ chị làm vì đảm bảo chất lượng, người bán chỉn chu. Tôi ở căn hộ liền kề nhà chị, thỉnh thoảng chị bận việc lại nhờ nấu cơm luôn cho chồng con, vì không yên tâm cho đi ăn ngoài. Nhà chị mỗi ngày 3 bữa cơm nhà do chị tự nấu, rất hiếm khi đi ăn ngoài. Chị không bao giờ để chồng vào bếp, căn bếp xem như chỗ “độc quyền” của chị. Chị kể, mỗi lần chồng nấu ăn lại nấu mấy món linh tinh, đồ dùng đảo lộn trật tự, dọn dẹp không sạch nên thấy rất ngứa mắt. Thậm chí anh rửa rau hay cắt trái bầu nấu canh, chị cũng không vừa ý. Bữa nào chị bận việc thì “gửi” chồng con sang nhà ngoại hoặc nhà tôi ăn cơm cho tiện.
Chị có những quy tắc nấu ăn riêng như không dùng nước mắm công nghiệp, bột ngọt, đường; tuyệt đối chỉ ăn đồ luộc, hấp, không dùng dầu mỡ; không ăn tôm sú vì sợ thuốc, không ăn rau sống, không ăn đồ hộp chế biến sẵn… Hằng tháng, chị đặt rau củ quả, thịt heo, cá từ quê gửi lên chứ không mua đồ ở chợ. Đến cả rau, loại nào nặng mùi như diếp cá, cần tây… chị không thích thì chồng con cũng không được ăn. Những lần qua ăn cơm cùng nhà tôi, không có mặt chị, anh thường than vãn về chuyện bếp núc của vợ. Nhiều lúc thèm ăn tô bún bò, anh phải lén đi ăn ngoài vì chị không bao giờ nấu bún vì lo chất bảo quản.
Bữa sáng nhà anh cứ lặp đi lặp lại xôi mặn, bánh bao không nhân, bánh canh cá tự nhồi bột, miến dong nấu xương heo đến phát ngán. 2 đứa con thèm ăn gà rán, xúc xích, phải đợi mẹ đi vắng hay sinh nhật bạn mới được thưởng thức. Anh nhiều lần góp ý với chị, nhưng chị vẫn bảo thủ với quan điểm của mình. Anh nói chị tự ôm cực vào thân, còn làm chồng con bí bách.
Anh quê ở miền Trung, nhớ nhà muốn ăn chém mắm ruốc đậm vị cũng không được. Lâu ngày, anh phải tìm cách tự cải thiện - tranh thủ đón con sớm, 3 cha con đi ăn ngoài những món ăn yêu thích mà vợ không nấu bao giờ. Kết quả: về nhà ăn cơm cho có lệ, chẳng hào hứng gì, khiến chị càng bực bội. Chị thấy mình lo cho gia đình nhưng không được ghi nhận, rồi kể lể kêu ca, khiến bữa cơm nhà trở nên nặng nề.
Nhân chuyện chị than thở về bếp núc, tôi cũng góp ý chân tình là chị nên thoáng ra trong việc ăn uống của gia đình. Ăn không chỉ để sống mà còn thưởng thức mới cảm nhận được hương vị thơm ngon. Ép người khác ăn thứ họ không muốn thì khác gì chịu cực hình. Mỗi người một khẩu vị theo sở thích, chị không thể bắt chồng con theo mình được. Vả lại, làm thế chỉ khổ bản thân chị, suốt ngày loay hoay với cái bếp nhưng có quản hết được đâu. Thường thì cái gì bị cấm lại càng hấp dẫn. Bằng chứng là cha con anh tranh thủ đi ăn ngoài để thỏa mãn sở thích ăn uống. Tôi tin, mọi món ăn không có gì tốt hay xấu tuyệt đối, chỉ cần cân bằng, lắng nghe nhu cầu của cơ thể là ổn. Khi chị mệt mỏi, bận bịu thì để chồng vào bếp, thay vì ôm khư khư cái bếp rồi than vãn. Chị chỉ im lặng nghe chứ không nói gì.
Vài ngày sau, chị nhắn tin nhờ tôi đặt mua hũ ruốc Huế, còn hỏi công thức nấu bún bò sao cho đậm vị.
Theo phụ nữ TPHCM