Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và bạn gái em đang yêu nhau thật say đắm. Nhưng quá khứ đen tối lại ập đến, em không biết phải giải quyết sao chị Hạnh Dung ạ.

Bạn gái em còn nhỏ thì bị người yêu cũ xâm hại tình dục nên trở thành mẹ đơn thân, còn anh ta thì vào trại giam. Khi anh ta vừa ra tù, gia đình bạn gái ép cô ấy phải lấy anh ta, họ nói rằng "tội cho đứa nhỏ".

Anh người yêu cũ và cả gia đình anh ta thực sự rất quá đáng. Họ không hề phụ nuôi con/ cháu họ đã đành, lại còn dùng danh nghĩa bạn gái em để đi mượn tiền, khiến chủ nợ cứ đến đòi bạn gái em mãi. Cô ấy phải đi làm để trả món nợ mình không hề gây ra.

Những chuyện này bạn gái em đều cắn răng chịu đựng, em có nói thế nào, cô ấy cũng không chịu kể cho gia đình nghe. Giờ đây, ba mẹ ruột cứ ép cô ấy kết hôn cho bằng được. 

Chị Hạnh Dung ơi, em có nên thay mặt bạn gái để nói hết sự thật với gia đình cô ấy không ạ?

Nguyễn Minh Hưng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Nguyễn Minh Hưng thân mến,

Vì sao cô ấy lại không dám nói thẳng với gia đình? Vì sao cô ấy lại chấp nhận trả nợ cho một kẻ đã gây đau khổ cho cuộc đời mình, và bị pháp luật phán xử? Vì sao cô ấy không đủ sức mạnh, sự quyết tâm, để tự bảo vệ, chấp nhận mọi điều người khác ép mình phải làm theo, dù việc đó vô lý, và khiến mình phải đau khổ, mệt mỏi?

Tất cả những điều đó em cần phải hiểu rõ, bằng sự nhạy cảm và tinh tường của mình, chứ không phải bằng lời nói thanh minh hay phủ nhận của cô ấy.

Khi gia đình cô ấy vẫn còn quyến luyến, vẫn mong muốn con mình lấy người đó, chung sống với người đó một cách hợp pháp, thì liệu điều đó có phải là một trong những lý do khiến cô ấy ngập ngừng, chấp nhận và không dám đấu tranh tới cùng hay không?

Dù tính cách cô ấy là gì, và vì lẽ gì cô ấy lại im lặng trả nợ cho người kia, im lặng khi cha mẹ ép lấy người cô ấy không yêu, thì em cũng không phải là người tự đứng ra nói với bố mẹ cô ấy những điều như vậy.

Chỉ có cô ấy mới có thể nói rõ ràng những gì mình cảm thấy, mong muốn và sợ hãi mà thôi. Chỉ có cô ấy mới phải là người làm chủ số phận của mình, cuộc đời của mình, những quyết định của mình...

Nếu cô ấy cả nể bên kia, rồi cả nể bên này... thì cuộc đời cô ấy rồi sẽ ra sao, khi luôn phải có một ai đó quyết định giùm, hành động giùm?

Chưa kể, nếu em đến nói giùm cô ấy, liệu có thuyết phục được cha mẹ cô ấy không, hay chỉ làm ông bà nghĩ rằng cô ấy lại đang bị một sức ép nào đó từ em?

Em chỉ có thể động viên cô ấy can đảm, và sáng suốt tự bảo vệ cuộc sống của mình mà thôi. Hãy là chỗ dựa tinh thần, là sức mạnh, là động lực của cô ấy, để cô ấy không cảm thấy đơn độc và sợ hãi.

Còn nếu như cô ấy vẫn không quyết định được điều mình phải làm, thì cũng có nghĩa là cô ấy chưa thực sự muốn và cần gắn bó với em. Hãy để cô ấy tự chọn lựa vậy!

Theo phụ nữ TPHCM