Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi lấy chồng được 10 năm. Vừa cưới được một năm rưỡi là tôi sinh con đầu lòng. Khi có thai, sức khỏe không tốt lắm nên tôi nghỉ làm ngay từ đầu thai kỳ. Sau đó, khi con được 1 tuổi thì tôi có thai bé thứ hai.

Vợ chồng tôi thống nhất là tôi ở nhà chăm con, tốt hơn thuê người giúp việc. Các con được chăm sóc cẩn thận, tôi cũng có thời gian cho chính bản thân mình, và lo việc nhà cửa tươm tất. Chồng tôi thăng tiến đều đặn trong 10 năm qua.

Chồng tôi làm việc cho một tập đoàn lớn, thu nhập cao, chúng tôi đã có nhà riêng và xe hơi. Hàng tháng anh đưa tôi 40 triệu để lo sinh hoạt gia đình. Còn lại, anh tích lũy mua thêm nhà đất. Chuyện này tôi cũng không quan tâm, không đòi hỏi anh phải nói hết cho tôi biết. Tôi thấy hoàn toàn hài lòng về cuộc sống này.

Thế nhưng khoảng hơn 1 năm gần đây, khi các con đã đi học, anh cứ yêu cầu tôi phải đi làm. Ở nhà lâu, tôi thấy ngại tiếp xúc với mọi người. Tôi biết đi làm sẽ phải va chạm nhiều, phải chịu áp lực này kia, nên tôi rất ngại.

Tôi nói với chồng như vậy, và hỏi vì sao nhà không thiếu thốn gì mà anh lại ép tôi đi làm? Bây giờ bằng cấp kiến thức của tôi cũng đã lạc hậu, phải bắt nhịp lại sẽ vô cùng mệt mỏi.

Nhưng chồng nói tôi nên ra ngoài để mở mang đầu óc, sau này còn có nhiều hiểu biết để mà giáo dục con cái. Hơn nữa, cuộc đời không thể nói trước được điều gì, nếu có chuyện gì rủi ro xảy đến với anh ấy, thì tôi phải đủ khả năng mà lo cho các con...

Thật sự là bị anh hối thúc, tôi thấy mệt mỏi quá. Không lẽ chồng so bì với tôi, không muốn tôi được bình yên trong nhà? Hay công việc anh có gì đó không ổn? Hay anh muốn chuẩn bị để bỏ mẹ con tôi? Trong đầu tôi ngổn ngang bao nhiêu câu hỏi.

Mà đã thế, tôi nói là xếp cho tôi một chỗ ở công ty anh, anh cũng không chịu. Tôi thấy tôi ở nhà nhưng cũng có lười biếng, ăn chơi gì đâu. Tiền chồng đưa, tháng nào dư thiếu tôi đều ghi chép đầy đủ. Tôi cũng để dành từ đó ra được một khoản nho nhỏ đủ khiến anh ngạc nhiên khi chúng tôi cần tiền.

Tôi nên làm gì để chồng hiểu và để biết vì sao chồng muốn tôi đi làm?

Thanh Nga

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chị Thanh Nga thân mến,

Hãy bỏ qua chuyện vì sao chồng muốn chị đi làm, mà thử nghĩ xem nếu chị đi làm, thì điều đó tốt cho ai trước tiên? Hạnh Dung nghĩ điều đó sẽ tốt cho chị chứ không phải ai khác.

Thứ nhất, như chồng chị nói, bước ra khỏi nhà, hòa nhập vào xã hội, va chạm với cuộc sống thực tế... là cách rất tốt để chị có thêm những hiểu biết, vốn sống, để dòng tư duy, suy nghĩ, quan sát của chị được luân chuyển một cách thoáng đãng nữa.

Thứ hai, việc tự làm ra đồng tiền sẽ khiến chị mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, vững vàng hơn. Trở thành một người phụ nữ độc lập và tự do, thoát khỏi mọi sự lệ thuộc về tinh thần và kinh tế, là khuynh hướng của mọi phụ nữ hiện đại bây giờ.

Cho nên, ngày hôm nay, ngay cả những người phụ nữ có điều kiện, nhưng nếu chồng không muốn họ đi làm, thì họ vẫn luôn đấu tranh để được đi làm đó chị. Họ nhìn thấy trong đó sự khẳng định giá trị của bản thân một cách rõ ràng nhất.

Nếu nhìn và suy nghĩ một cách tích cực, chị hãy tin rằng chồng chị, một người có vị trí xã hội cao, có hiểu biết... đang muốn điều tốt, điều đúng cho vợ mình. Anh ấy muốn đẩy chị đi lên, bước tới để hai vợ chồng luôn được song hành cùng nhau. 

Bên cạnh đó, cũng có thể chồng chị đang có những lo lắng nào đó về những bất trắc rủi ro trong kinh doanh, như việc đang xảy ra với khá nhiều doanh nghiệp. Và anh ấy muốn chị trở thành một hậu phương thật sự của anh ấy, với những khả năng dự phòng cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Điều đó hoàn toàn không có gì là sai trái hết, chị ạ.

Cả nghĩ quá, chị nghĩ tới cả việc chuẩn bị tinh thần để đẩy chị vào cuộc sống tự lập... Nếu có thật như vậy thì chồng chị vẫn là người có trách nhiệm với những người thân của mình. Nhưng Hạnh Dung cho rằng đây hoàn toàn chỉ là tưởng tượng của chị, vì quá lo lắng mà thôi.

Tất nhiên, Hạnh Dung cũng biết rằng sau 10 năm ở nhà, bắt đầu lại công việc sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu chị cố gắng và quen được với nhịp sống, làm việc, phấn đấu... chị sẽ thấy cuộc sống thú vị hơn, hạnh phúc hơn. Hạnh Dung vẫn nghĩ rằng đó là chị nên làm một cách tự nguyện, chứ không phải vì sự bắt buộc, yêu cầu của chồng chị. 

Việc chồng chị muốn chị đi làm, có lẽ còn chứng tỏ là anh vẫn tin vào chị, nhìn thấy khả năng của chị. Chị nên tiếp nhận điều này một cách tích cực, và hãy thử làm theo điều anh ấy mong muốn. Chưa thử, đâu biết mình có giỏi hay không. Cách chị thuyết phục anh ấy nhất là thử làm. Nếu quả thật chị không chịu được áp lực, không hoàn thành được công việc, thấy quá nặng nề và mệt mỏi, thì anh ấy sẽ chấp nhận dễ dàng hơn.

Bằng như chị làm được, làm giỏi và thành công, hạnh phúc với những điều mới mẻ này, chị sẽ phải cảm ơn anh ấy rất nhiều, phải không chị?

Theo phụ nữ TPHCM