Ảnh minh họa

Chị Hạnh cho rằng, tất cả nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn của vợ chồng chị gần 10 năm qua bắt nguồn từ những yêu cầu có phần khác người của mẹ chồng chị. "Chồng tôi hiền lành, tử tế, rất yêu thương, chăm sóc vợ. Đó là lý do tôi chấp nhận làm vợ anh. Thế nhưng, có thể do anh là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ anh vô cùng chiều chuộng. Đến công ty làm việc thì anh là trưởng phòng kinh doanh hẳn hoi, ăn nói đâu ra đó. Thế nhưng về nhà lại như cậu ấm sứt vòi, nghe lời bố mẹ răm rắp, nên có phần nào đó nhu nhược khi không có chính kiến của riêng mình", chị Hạnh nhận định sau gần 10 năm chung sống cùng chồng.

Ngay tối hôm mẹ chồng nói chuyện tôi phải góp lương mỗi tháng về cho bà giữ, tôi hơi giật mình nhưng là dâu mới về nhà chồng nên tôi đành im lặng. Tôi hỏi chồng, anh bảo: "Từ ngày đi làm, có đồng lương nào anh đều đưa hết cho mẹ giữ để chi tiêu trong nhà. Anh chỉ giữ lại 1 triệu đồng mỗi tháng để mua xăng xe đi lại, khi nào cần tiền, anh về nhà bảo mẹ đưa cho. Bố mẹ anh không có lương hưu nên tất cả chỉ trông chờ vào lương của anh và những năm tháng buôn bán thời trẻ của mẹ. Mẹ muốn em cũng góp lương vào đó cho gia đình đoàn kết, có gì mà em phải lăn tăn?".

Vì chồng nói thế, chị cũng phải bỏ ra 3 triệu đồng mỗi tháng lương để nộp vào quỹ nhà chồng. Chỉ bớt lại 2 triệu đồng để chi tiêu lặt vặt khi cần. Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như chị nghĩ. 2 năm sau, lúc vợ chồng chị sinh con đầu lòng, rồi 2 năm kế tiếp lại sinh con thứ 2, tiền bỉm sữa mỗi ngày một tốn kém, số tiền lương sau khi đưa cho mẹ chồng giữ, còn lại chỉ như muối bỏ bể. Chị nhẹ nhàng nói chuyện với chồng, nên đưa cho mẹ giữ 1 ít, hoặc cả 2 vợ chồng thống nhất đưa cho mẹ giữ 1 nửa số tiền lương của cả 2, còn lại anh đưa cho vợ cầm để tiện chi tiêu bỉm sữa và nuôi 2 con ăn học.

Để có thể bớt lại tiền cho vợ và đưa tiền lương cho mẹ ít hơn mọi khi, anh cũng phải giải thích cặn kẽ với mẹ. Vừa nghe anh nói xong, mẹ anh bỗng nổi đóa cho rằng anh bị vợ ngồi lên đầu điều khiển.

Ngay sau đó, mẹ chồng yêu cầu cả 2 vợ chồng chị ra phòng khách nói chuyện. Bà rành rọt: "Tao là chủ nhà này, giữ tiền cho vợ chồng mày mấy năm nay có ăn bớt xén đồng nào hay đem đi gửi quỹ riêng đâu. Tiền quy về một mối để chi tiêu cho cái nhà này, nào mua gạo, điện nước, gas và mỗi sáng tao đều đi chợ mua thức ăn chung cho cả nhà. Giờ vợ chồng mày đòi bớt lại tiền thì coi mẹ mày còn ra thể thống gì không?".

Nói ra nói vào, vợ chồng chị lại căng thẳng, anh tỏ ra cáu bẳn, quát nạt vợ, cho rằng chị chấp nhặt, về nhà chồng mà không tôn trọng bố mẹ chồng. Còn chị thì vô cùng khó chịu. Tiền lương làm ra, nếu không đưa cho mẹ chồng giữ thì chị thành bất hiếu, mà đưa cho mẹ chồng giữ thì chị phải chi tiêu hạn hẹp, tằn tiện thái quá đến khổ sở. Chồng chị nói: "Mẹ già rồi, cũng chả ăn đời ở kiếp với mình mãi đâu, vài năm nữa mẹ sẽ chuyển quyền giữ tay hòm chìa khóa cho em thôi. Em cứ chiều mẹ một chút có mất gì đâu?". Vậy là để không khí vợ chồng dịu lại, chị đành chịu nhịn tất cả.

Thế nhưng, mọi sự phức tạp vẫn chưa dừng lại ở đó. Mỗi lần cần chi tiêu bỉm sữa cho các con, rồi đóng tiền học hành, chị thẽ thọt nói mẹ chồng đưa tiền để lo cho con cái, thì mẹ chồng chị lập sẵn sổ sách, bắt chị kê vào ngày tháng, giờ, phút... chị lấy bao nhiêu tiền và ký nhận vào sổ khi bà đưa tiền cho chị.

Chị Hạnh tâm sự: Nếu ai đó hỏi tôi mong ước gì nhất, có lẽ tôi chỉ muốn được ra ở riêng, chủ động mọi khoản chi tiêu của chính mình và chồng con. Nhưng chồng tôi nói, không bao giờ bỏ bố mẹ già sống một mình, nên không thể ở riêng được. Tâm tính tôi bực bội, vợ chồng nhiều lúc nhìn thấy nhau không buồn chia sẻ, chuyện trò như trước nữa. Niềm vui cuộc sống của tôi bây giờ chỉ là nhìn các con lớn khôn, với mong mỏi một ngày nào đó cuộc sống sẽ thay đổi, để vợ chồng, con cái có thể cười nói vui vẻ bên mâm cơm như bao gia đình khác.

Bảo Vy (Ghi)