leftcenterrightdel
 Tấm hình dàn dựng lấy đi bao nước mắt của cộng đồng mạng

Đọc bài viết Cú lừa giữa tang thương trên PNO ngày 11/9 tôi nghĩ ngay đến chị bạn. Chị vừa kể tôi nghe chuyện vợ chồng giận nhau vì những tin “tức mình” trên mạng.

Chị bạn tôi ít khi vào mạng, quan niệm của chị cái gì thực tế cầm nắm được vẫn thích hơn ôm điện thoại lướt tin. Nấu ăn, làm bánh, trồng cây, đọc sách, đánh đàn... Một ngày của chị còn rất ít thời gian dành cho mạng.

Trái ngược với chị, ông chồng chị giống nhà “quản trị mạng", chuyện Đông Tây kim cổ ở đâu anh cũng rành. Từ khi nghỉ hưu, anh suốt ngày ngồi đồng ôm máy tính. Ban đầu chị không chú ý, bữa cơm có những câu chuyện kể từ trên mạng anh đem xuống đời thực cũng vui. Có đề tài cho mọi người thảo luận.

Con trai chị là kỹ sư đồ họa, công việc của cháu suốt ngày vẽ vời nên hầu như cháu không có thời gian lướt mạng. Thỉnh thoảng có “hot trend” gì đó không hiểu cậu lại hỏi ba. Lâu lâu ngồi vào bàn ăn cơm không thấy ba kể chuyện thế giới mạng, cậu lại hỏi: “Hôm nay mạng có gì hay không, ba?”. Kiểu kiếm câu chuyện làm quà chớ cậu chàng nghe đó rồi bỏ qua, không quan tâm.

Trái với em trai, cô chị gái khá “quán xuyến” tin tức trên mạng. Thỉnh thoảng về cô nhà mẹ chơi, cha con ngồi với nhau toàn đem chuyện mạng ra nói. Chị cho đó cũng là việc hay vì có đề tài giao lưu gắn kết mối quan hệ.

Khi tin tức về cơn bão Yagi mới xuất hiện, ngày nào vào giờ cơm, chồng chị cũng mang ra thông báo cho mọi người. Theo ý anh, đây là cơn bão nguy hiểm, sức tàn phá rất lớn. Mọi người nghe nhưng không ai nhớ. Và đúng vậy, những diễn tiến về cơn bão như anh thông báo cho mọi người. Lúc này chị và cậu con trai bắt đầu tin những tin tức từ anh.

Thế rồi mỗi ngày anh cập nhật tin tức, dẫn link vào messenger của gia đình, nhiều đến nỗi cậu con trai bỏ luôn, không mở ra đọc, còn chị thì quá ngợp vì những hình ảnh, video mà chị không biết thật hay giả.

Chị nhắn hỏi chồng là tin này anh lấy từ đâu, có đúng không... Thế thôi mà chồng chị giận: “Người ta lấy xuống cho coi còn hạch sách. Không coi lạc hậu ráng chịu, đây không thèm dẫn link nữa”. Rồi anh dỗi, không thèm nói chuyện trong bữa cơm, không trao đổi với chị bất cứ chuyện gì. Bỗng nhiên chị thấy tò mò, mới click vào các video, hình ảnh anh đưa qua. Khi coi vài hình ảnh, chị cảm giác... có gì đó sai sai, nhưng chị đóng lại và không thảo luận thêm với anh nữa.

Và rồi, chẳng có gì giấu được cõi mạng, nhiều video của anh từ đời nào được người ta làm mới lại và post lên mạng nhiều người phát hiện ra. Chị mới nhớ lại những hình ảnh “fake” thời dịch COVID-19 đang cao trào. Bây giờ cũng vậy, có những video ở nước ngoài nhưng họ đưa lên như chuyện thật đang xảy ra ở Việt Nam. Mà, video nào cũng cả ngàn lượt thích. Tò mò chị qua trang Facebook của chồng, thấy anh đã “Khóa bảo vệ trang cá nhân”. Chị lại càng không hiểu anh khóa như vậy là như thế nào. Mà tại sao anh lại khóa?

Chị hỏi con trai: “Ba khóa bảo vệ chi vậy?”, cậu chàng cũng không biết. Rồi tự nhiên chị đâm giận chồng làm điều gì khuất tất trên Facebook... Giờ thì coi như chiến tranh lạnh mà nguyên nhân từ chuyện mạng không phải chuyện con cái, cơm áo gạo tiền thường ngày!

Tôi không biết có nhiều gia đình rơi vào trường hợp chị bạn tôi hay không, nhưng có thể thấy một hiện tượng là bây giờ là những điều mà người ta đưa lên mạng không biết thế nào mà lần. Tôi đặt ra cho mình một tiêu chí khi lướt mạng phải hết sức cẩn thận, nếu cần phải kiểm tra lại nguồn tin từ báo chí chính thống. Có một bình luận mới đọc qua thì thấy tức cười, nhưng nghĩ lại thấy hay: “Bây giờ tiền làm ra khó lắm, dẫn một tin sai, bị phạt 7,5 triệu đồng, vợ con đói!”. Đúng quá đi chứ!

Tôi không biết khi viết một tin/bài mục đích câu like, câu view thì tác giả sẽ nhận được những gì; nhưng trong tình hình mà ai ai cũng theo dõi tin bão lũ mỗi ngày, mỗi giờ thì đưa những tin giả như vậy là việc làm không đúng, cho dù là đùa.

Còn nữa, quá nhiều những chiêu lừa qua hình thức từ thiện trên mạng trong thời gian bão lũ đang hoành hành này. Mà bây giờ tôi cảm giác có quá nhiều người làm công việc khơi gợi trí tò mò của thiên hạ. Tỉ như, dưới một status là những đường dẫn khi bấm vào nó sẽ hiện ra một trang quảng cáo, chẳng hạn. Một cú "lừa nhè nhẹ" thôi nhưng cũng khiến gây bực tức.

cảnh giác là cách duy nhất tự bảo vệ mình khi lướt mạng.
Cảnh giác là cách tự bảo vệ mình khi lướt mạng

Xem ra không gian mạng bây giờ là nơi chốn làm ăn, có thể kiếm tiền, tìm kiếm thông tin, kiến thức nhưng không thiếu những chiêu trò, nếu không tỉnh táo không chỉ bị "hố" mà còn là mất tiền, ngậm bồ hòn làm ngọt. Không thiếu chuyện cảnh giác trên báo chí nhiều phụ nữ bị lừa tình, tiền qua mạng. Thỉnh thoảng chúng ta lại nhận tin nhắn từ điện thoại của các cơ quan truyền thông nội dung cảnh giác thông tin lừa đảo...

Tỉnh táo mạng là điều cần thiết, nhưng chẳng ai dám chắc một ngày nào đó mình không bị... sập hầm, bởi cõi mạng cũng như cõi đời, luôn có người tốt - kẻ xấu. Thôi thì, cảnh giác là cách tự bảo vệ mình khi lướt mạng.

Theo phụ nữ TPHCM