Kính gửi chị Hạnh Dung,

Ba má em năm nay đều đã gần 60 tuổi nhưng tính cách rất kỳ. Ông bà mâu thuẫn gần 5-6 năm nay, không thể sống chung. Thường thì má ở với gia đình chị Hai, ba ở với gia đình em vì em là con trai duy nhất trong nhà. Má khỏe hơn, không bệnh rề rề như ba, nhất là má không có tật đụng đâu cũng gầy độ nhậu như ba.

Thực sự khi ba sống chung với gia đình em, vợ con em cũng chịu nhiều áp lực, nhiều khi vợ chồng em căng thẳng vì ba. Bên nhà chị Hai cũng vậy, mỗi khi có mâu thuẫn, má lại bỏ về nhà mình ở, em với chị Hai phải về năn nỉ má mới chịu lên.

Không biết nghe ai bàn bạc sao đó, má kêu người tới bán nhà để lấy tiền dưỡng già. Má nói bán cho vợ chồng anh chị ở cùng xóm nhưng em biết anh chị đó không đủ tiền để mua căn nhà và mảnh vườn của ba má em. Chắc là họ dỗ ngọt má em, muốn lấy nhà rồi đưa tiền dần dần.

Chuyện mua bán đang phức tạp thì tới chuyện ba em đổ bệnh phải nhập viện, bệnh tiểu đường biến chứng không thể chữa trị 1 lần mà đỡ. Má nói giao ba cho vợ chồng em báo hiếu, má không muốn nuôi bệnh, không có sức, nhà cũng bán rồi.

Em nghĩ cãi ngang thì bất hiếu, nhà cửa ồn ào làng xóm dị nghị, mà không nói thì ức lòng quá sức. Má đâu thể giao chồng má cho em, bắt em nuôi dưỡng chăm lo trong khi em đi làm đâu dư dả gì. Ba em còn nằm trong bệnh viện, vợ em hỏi chừng nào ba về, rồi ba về ở đâu…

Em quá rối, không biết thu xếp thế nào. Xin chị cho em lời khuyên.

Nam Lộc (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstoc

Em Nam Lộc thân mến,

Việc nhà hay tới theo kiểu rối nùi, việc nọ việc kia đan cài vô nhau khiến người trong cuộc bó tay bất lực gỡ không ra. Với gia đình em, cần phải gỡ từ từ, từng nút thắt một, không phải ngày một ngày hai mà xong được nhưng cũng không thể chần chừ. Em cần phân định rõ thứ tự rồi bắt đầu ngay vì càng để lâu, chuyện càng rối, càng phức tạp khó gỡ hơn.

Từ bên ngoài, xếp theo thứ tự ưu tiên, chuyện chữa bệnh của ba em là chuyện quan trọng nhất. Ba em đang bệnh, em có thể bàn với má, với chị Hai để ba tập trung dưỡng bệnh, cần thì thuê thêm người phụ chăm sóc cho ba trong bệnh viện. Cả gia đình cần lo cho ông trước tiên.

Việc tiếp theo là chuyện mua bán nhà cửa. Em cứ thong thả mời chị Hai và má họp gia đình, ngồi lại nói chuyện. Ba má là vợ chồng, tài sản chung cả ông bà đều có quyền định đoạt. Nay ba đang bệnh, tâm trí chưa sáng suốt, không thể quyết chuyện bán nhà nên chuyện này tạm hoãn lại.

Nếu má vẫn muốn bán, lúc này cũng đang còn nhiều thời gian, cứ đăng tin bán nhà cho rộng rãi người mua tới xem, trả giá. Chưa cần phải hứa bán chắc chắn cho ai cả. Việc này em có thể tạm trì hoãn. Mục tiêu của mình là dù có bán nhà thì cũng bán với giá tốt nhất, sao cho ông bà đều có khoản tiền riêng để dưỡng già. Nếu cần, em nói chuyện với chị Hai để thống nhất việc này trước, rồi 2 chị em cùng thuyết phục má.

Nhìn dài hơn, chuyện ba má sống chung chắc là khó. Nhưng khi mỗi người đều có ngân sách riêng, em thử tính phương án dùng số tiền đó để sửa phòng cho ông, thuê người chăm sóc để ông có thể yên ổn tận hưởng tuổi già bên con cháu. Với má em cũng vậy. Mấy bà má hay giận mà nói lẫy kiểu như má em nhưng thực sự chuyện tương lai có đúng vậy hay không cũng chưa chắc.

Tiền bạc, tài sản có giá trị khi nó củng cố tình cảm gia đình, giúp mọi người sống thoải mái, yêu thương nhau. Giải quyết chuyện nhà cửa của ông bà sao cho khéo léo thì không chỉ ông bà mà các con cũng được hưởng lợi ích từ đó còn nếu chỉ tập trung vào tài sản, có khi vì đồng tiền mà gia đình tan tác, chì chiết hơn thua, tình cảm cũng không còn.

Bây giờ trong gia đình, tiếng nói của em là quan trọng nhất, em cố gắng bình tĩnh thu xếp hợp lý việc nhà.

Hạnh Dung

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Hữu Nam (TP Thủ Đức, TPHCM): Kể cho ba nghe về việc mẹ muốn bán nhà

Nhà là tài sản chung của ba mẹ, việc bán nhà cần có sự đồng thuận của cả hai. Bạn nên giải thích rõ cho mẹ hiểu tầm quan trọng của việc phải có sự đồng ý của ba. Nếu ba không đồng ý thì có thể dẫn đến các vấn đề thưa kiện về sau.

Nếu cảm thấy nghi ngờ về khả năng tài chính của người mua nhà, bạn có thể trao đổi trực tiếp với người đó về vấn đề có thể sẽ bị kiện ra tòa nếu không có sự đồng ý của ba bạn. Khi nghe đến thưa kiện, người mua sẽ chùn bước và gặp gỡ cả ba mẹ bạn để thảo luận.

Bạn nên kể cho ba, chị Hai nghe về ý định bán nhà của mẹ. Cả gia đình nên đề nghị mẹ xem xét lại. Nếu ba mẹ vẫn đồng ý bán thì nên hỗ trợ ba mẹ tham khảo ý kiến của nhà môi giới bất động sản nhằm đảm bảo căn nhà được bán với giá hợp lý. Tham khảo ý kiến luật sư để đảm bảo hợp đồng mua bán được rõ ràng, bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình.

Ngọc Nhiên (Long Thành, Đồng Nai): Chia nhau trách nhiệm chăm sóc ba

Chăm sóc ba mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của con cái. Dù khó khăn đến đâu, phận làm con vẫn nên làm điều đúng đắn với ba để ông cảm nhận được sự quan tâm, có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế gia đình bạn và chị Hai không dư dả, cả hai nên thay phiên chăm sóc ba.

Bạn hãy lập một bảng liệt kê tất cả chi phí điều trị, ăn uống của ba để chị em cùng chia sẻ. Các thành viên trong gia đình nên có một buổi họp mặt, nói chuyện trực tiếp với nhau, nói rõ về khó khăn tài chính đang gặp phải.

Ngoài việc bán nhà, có thể tìm kiếm giải pháp khác như cho thuê nhà để có thêm thu nhập chăm sóc ba. Ngược lại, nếu mẹ bạn vẫn muốn bán nhà thì phải đảm bảo rằng ba bạn vẫn được chia tài sản, số tiền này sẽ dùng để thuê người chăm sóc hoặc điều trị bệnh cho ba.

Giải thích cho mẹ hiểu rằng việc chăm sóc ba là trách nhiệm của gia đình, bao gồm cả mẹ. Nếu mẹ không chăm sóc ba, cái nhìn của con cái dành cho mẹ bị méo mó, sẽ ảnh hưởng đến cách đối xử của con cháu đối với mẹ sau này.

Theo phụ nữ TPHCM