Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ chồng tôi đều đã vào đầu tuổi 50, cưới nhau đã hơn 20 năm, 2 con trai đều đã lớn. Các con đã đi làm nhưng chưa lập gia đình. Vợ chồng tôi đều làm trong trường học, tôi làm văn phòng còn chồng tôi làm ở bộ phận quản trị cơ sở vật chất.

Đời sống hôn nhân từ khoảng 3, 4 năm nay đã nguội lạnh. Chồng tôi chắc có quan hệ bên ngoài, không phải 1 lần. Nhưng tôi coi như mình không biết, nhắm mắt bỏ qua. Tôi nghĩ mình chủ yếu sống vì các con. Phần nữa bây giờ mỗi người ở riêng 1 phòng, cũng không có nhu cầu gần gũi nhau. Miễn sao chồng tôi đừng gây chuyện gì xấu hổ để người ta đàm tiếu chê cười.

Tôi phát hiện mình bị suy thận mạn. Từ năm ngoái, khi khám sức khỏe thường niên, bác sĩ đã cảnh báo tôi phải điều chỉnh chế độ ăn, uống thuốc và theo dõi cẩn thận. Tôi đã cố gắng đi khám, xét nghiệm thường xuyên, điều trị nghiêm chỉnh nhưng bệnh chẳng những không giảm mà có vẻ còn nặng thêm.

Hiện nay, tôi rất hay bị mệt, khó ngủ. Tôi hay tâm sự chuyện sức khỏe của mình với con trai út nhưng con đang tuổi mới lớn, cũng rất vô tâm, ham bạn bè.

Chồng tôi thì hầu như không quan tâm. Tôi không muốn nói chuyện đau bệnh với chồng vì tôi biết tính chồng tôi. Ông ấy chẳng quan tâm lo lắng gì đâu, chưa kể có khi còn tính chuyện chia tay, đường ai nấy đi. Ông ấy sẽ dễ dàng bỏ rơi vợ con.

Nếu bây giờ xảy ra chuyện ly hôn sẽ ảnh hưởng đến các con, bản thân tôi cũng không có ai để nương tựa lúc về già, đau ốm. Tôi nghĩ vậy nên cố giấu, tự mình đi khám, điều trị bệnh. Cũng may, cả năm nay tôi vẫn tự lo được.

Sống chung mà chồng con không chia sẻ với mình, bệnh tật chỉ một mình lo nghĩ, chạy chữa. Mỗi lần không ngủ được, suy nghĩ, tôi lại cảm thấy buồn và bế tắc vô cùng. Không biết tôi làm vậy có đúng, liệu có cách nào tốt hơn không?

Thu Thủy (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Thu Thủy thân mến,

Bệnh tật đau ốm không chỉ tàn phá sức khỏe mà còn làm cho đầu óc mình căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ quẩn quanh bế tắc, không thấy được lối thoát. Chị có thể đang ở trong chính tình trạng này. Nếu không sớm tìm cách thoát ra, chị sẽ thấy đầu óc mình cũng bệnh luôn, việc chữa trị sẽ phức tạp hơn nhiều. 

Đừng nghĩ việc tự mình đi khám, tự mình lo chữa bệnh là mình “giấu bệnh”, mình tự phải lo thân. Suy nghĩ này dễ làm mình buồn tủi. Thêm vào đó, chị có những lo lắng băn khoăn về căn bệnh. Lo quá, buồn quá, sợ quá… mà chị không chia sẻ với ai, không dám thổ lộ với chồng con, cứ kìm nén hay nín nhịn trong thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn cảm xúc. Khi tinh thần yếu đi, sức khỏe dễ suy kém, bệnh dễ nặng hơn. Tất cả tạo thành một vòng lặp, luẩn quẩn, khó tháo gỡ.

Chị đang có những điều kiện rất tốt: có nhà, có 2 con, có chồng, có công việc. Chị phải nắm lấy tất cả những điều kiện này để chữa bệnh, giữ mình khỏe mạnh.

Chị nên gạt bỏ mối lo bị bỏ rơi. Chị có thể kiểm tra lại, cất giữ cẩn thận giấy tờ nhà cửa, tài sản mà cả vợ chồng chị đều có quyền sở hữu. Chị có công việc, có lương hưu, có bảo hiểm để điều trị bệnh. Chị biết bệnh mình nên lo lắng nhưng biết đâu chồng chị cũng đang đau ốm mà chưa phát hiện.

Chị nên nói với cả nhà chuyện bệnh tật, cùng chồng đi khám, để bác sĩ tư vấn cho cả gia đình trong việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, giữ sức khỏe.

Nên đưa chuyện sức khỏe thành chuyện của cả nhà. Lúc không có chuyện thì mỗi người có mối quan tâm riêng, nay có chuyện phải lo, mỗi người một tay cùng giúp chị cũng là để duy trì sức khỏe cả nhà. Nếu chị cứ ôm giữ riêng nỗi lo lắng này, chẳng những bệnh của chị không được chữa hiệu quả, mà cả nhà cũng khó chia sẻ.

Ai bệnh thì cũng phải tự lo chữa bệnh, không ai đau ốm thay mình được, cũng không ai hiểu mình bằng chính bản thân. Nhưng, sự chia sẻ trong gia đình là tình cảm, trách nhiệm, là sự chữa lành về mặt tinh thần. Chị hãy từng bước tiến hành việc chia sẻ này, biến nó thành một sợi dây thắt chặt các thành viên gia đình. Chúc chị vui khỏe.

Theo phụ nữ TPHCM