Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em 37 tuổi, lấy chồng đã gần 10 năm, có 2 bé. Vợ chồng em vẫn đang thuê nhà, trong khi nhiều bạn bè ra trường cùng đợt nay đã có nhà riêng. Thu nhập của vợ chồng em không thấp, em cũng không tiêu xài phung phí mà luôn có ý thức tiết kiệm, dành dụm. Nguyên nhân chính em nghĩ là do phía chồng em.
Trước dịch, công việc của chồng em có thu nhập tốt nên lúc dịch xảy ra, công ty cho tạm nghỉ, anh ấy vẫn giữ mức tiêu tiền như cũ, số tiền dành dụm của vợ chồng nhanh chóng cạn đi. Anh ấy nói mình cứ sống cho hôm nay, tiền bạc thì mai mốt lại làm ra được, không phải túng thiếu gì.
Nhưng cho tới giờ, dù đã đi làm lại, thu nhập của chồng em vẫn thấp, chi tiêu trong nhà cũng còn thiếu hụt, không có khoản để dành.
Em mấy lần nói với chồng là em lo lắm, vợ chồng và 2 đứa con, ở nhà thuê mà không có tiền phòng thân, lỡ có việc gì lại phải ngửa tay vay mượn, mà biết vay mượn ai. Nhưng chồng em không nghe, lại còn nói em mới làm được mấy đồng bạc đã coi thường chồng.
Nhiều chuyện khác trong nhà anh cũng quy về đó, lấy cớ đó để mắng em rồi điện thoại nói chuyện với ba mẹ em là giờ vợ làm nhiều tiền nên khinh chồng.
Em phải nhận thêm công việc về làm ngoài giờ; đôi lúc mệt mỏi quá em nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, phơi đồ hay rút đồ; anh ấy không làm, còn bảo ai mượn nhận việc về làm, trả cho công ty đi, không thì có ngày tao đốt hết giấy tờ cho chừa.
Em đành phải tranh thủ thời gian buổi trưa hay sau giờ làm ở lại công ty để làm thêm, về nhà thì giấu bớt giấy tờ. Em cũng giấu bớt thu nhập của em, coi như đó là khoản tiền riêng em để dành. Tiêu thì bao nhiêu cũng hết, nay có ít thì tiêu ít lại. Khi để dành được chút tiền, em cũng thấy mình có động lực làm việc hơn, vui hơn.
Em chỉ sợ chồng em phát hiện ra tiền, lúc đó chắc ồn ào nhà cửa, không biết sẽ ra sao…
Khánh Huyền (TPHCM)
Em Khánh Huyền thân mến,
Đàn ông thường tự cho mình là trụ cột vững chắc, mạnh mẽ và là chỗ dựa cho người phụ nữ của họ. Tiền bạc cũng là một loại sức mạnh. Khi làm ra tiền, nắm quyền quyết định về tài chính, đàn ông tự tin về địa vị thống trị của mình.
Khi vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, những vết nứt sẽ xuất hiện dưới địa vị thống trị ấy, khiến họ lo sợ về sức mạnh mà vợ đang có, lo sợ quyền quyết định của mình sẽ không còn. Từ tâm lý lo lắng đó, một số phản ứng thái quá sẽ xuất hiện: họ ra quyết định và bảo vệ quyết định của mình; họ áp chế, chỉ trích…
Hiểu được bản chất thì sẽ có cách điều chỉnh thôi. Phụ nữ thường nhạy cảm về tiền bạc, nhất là khi an toàn tài chính trong gia đình trở nên bấp bênh. Tuy nhiên, khi phụ nữ làm ra tiền, thu nhập tăng lên, phụ nữ cũng dễ thay đổi.
Mình nên tự nhìn lại xem mình có nóng nảy hơn trước; có lúc nào đó chê bai, so sánh chồng với người khác và cho rằng chồng kém?
Đàn ông sẽ nhìn nhận vợ đang hạ thấp năng lực của mình, nên anh ta sẽ gom luôn những việc như cắm nồi cơm, giặt đồ… vào chỗ “bị coi thường” đó. Anh ta không làm là thể hiện sự phản đối, thách thức, chứ không hẳn vì anh ta không chia sẻ việc nhà.
Giấu bớt thu nhập chỉ là biện pháp đối phó tạm thời thôi em ạ. Muốn thay đổi không khí gia đình, tạo động lực cho chồng làm việc và cũng để anh ấy nhìn thấy sự đồng cảm, sự cố gắng chia sẻ khó khăn của vợ, em nên cẩn thận giữ gìn lòng tự tôn của chồng.
Tôn trọng, kiên nhẫn và động viên mọi cố gắng của anh ấy, dù là nhỏ nhất, dù là chưa mang lại được sự cải thiện nào về thu nhập… em sẽ gìn giữ được người đàn ông của mình. Rồi đến lúc nào đó, người đàn ông ấy sẽ tạo ra sự thay đổi.
Vẫn biết là mình sẽ vất vả hơn, vừa phải làm thêm, vừa phải khéo léo cư xử, nhưng cố gắng em nhé. Ai cũng có những thời điểm mong manh, dễ tổn thương. Em có thể giấu bớt thu nhập nhưng đừng giấu bớt tình cảm. Hy vọng tình yêu của em đủ mạnh để giúp anh ấy vượt qua lúc khó khăn này.
Theo phụ nữ TPHCM