Chưa đầy năm sau ngày cưới, Hương xuất hiện ở cổng cơ quan tôi. Hương nói vừa bị chồng tát một cú điếng người, nổ đom đóm mắt. “Gì ghê vậy! Em có chửi bới hay cằn nhằn gì không?” - tôi hỏi. “Không hề. Em chỉ mát mẻ hỏi sao hôm nay về sớm, không lê la muộn như mọi ngày. Thế thôi mà ảnh nổi khùng” - Hương thểu não.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Hương là em út, kém tôi tới 15 tuổi. Những tưởng em giỏi giang, hiện đại, chọn chồng như ý thì không thể bị bạo hành. Thế mà em còn bị bạo hành rất sớm.

Tôi nói Hương lau nước mắt, tạm mang con về nhà bà ngoại ít hôm, chờ xem đối phương thế nào. “Đánh lần 1 được là nó sẽ đánh lần 2. Nếu mình bỏ qua dễ dàng thì nó không biết sợ, dễ thành thói quen, không như ý là hành hạ người khác” - tôi tuôn một tràng phân tích.

Sau đó, tôi nhờ chồng giúp điều tra xem chồng Hương có vấn đề gì không, có bồ bịch gái gú hay không mà gây sự, coi thường vợ đến vậy. 2 ông chồng của chúng tôi cùng làm ngành quảng cáo nên rất nhanh chóng, chồng tôi moi ra chuyện bất ổn: em rể liên lụy đến một vụ chiếm đoạt tiền bạc ở công ty, kẻ gây chuyện đã bỏ trốn nên cậu ấy có nguy cơ phải đền hàng trăm triệu đồng, đang phải giải trình liên miên.

“Thế sao nó không nói gì với vợ? Chuyện gì cũng phải cho nhau biết chứ” - tôi bực bội vặn chồng. “Đàn ông, khi gặp khó khăn, thường giấu gia đình, đặc biệt là vợ” - chồng tôi nói. Anh phân tích, do mấy bà thường làm rối loạn tình hình, chứ không giúp giải quyết gì nên các ông sẽ âm thầm gánh chuyện, chỉ thông báo khi đã xử lý xong. 

Quả thật, rà lại thấy chồng tôi nói cũng đúng. Tôi có 3 em trai, 1 anh trai. Họ đều giấu vợ, anh chị em, cha mẹ mọi vấn đề lớn có dấu hiệu rắc rối. Chỉ tới khi phốt “xì” ra, lúc ấy phụ nữ trong nhà mới hay.

Tôi nhắc chồng nhớ vụ anh trai tôi vay nợ qua app online. Đáng ra, nếu chị dâu biết sớm, chị có thể xoay xở trả được. Do anh giấu giếm, đi vay chỗ này đập chỗ kia, cuối cùng thành con nợ của cả công ty, mà món nợ chính thì vẫn lãi chồng lãi.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Từ vài trăm triệu đồng ban đầu, chủ nợ tính thêm lãi phạt, món nợ phình to tới cả tỉ. Xã hội đen tới vây trước nhà, chị dâu mới hay chuyện của chồng. Tiền tỉ thì quá lớn rồi, đào đâu ra mà trả? Chị năn nỉ ông bà ngoại cho mượn sổ đỏ mang đi cầm cố nhà. Mấy năm nay, tiền lương của anh chị dành để nai lưng trả lãi ngân hàng. Tiền học cho các cháu, chúng tôi phải chung tay hỗ trợ. Và rồi bây giờ tới chuyện của Hương…

Đáng nói, thời gian anh trai tôi nợ nần, anh đổi tính đổi nết, hung hãn mắng con, chửi vợ. Chị dâu nghĩ anh có bồ bịch nên về “tức mắt” gây sự vợ con. Có lẽ Hương cũng đang nghĩ thế với chồng, nên khiến chồng thêm ức chế.

Tôi nhắn tin năn nỉ chồng tôi: “Vụ này vợ chồng mình phải ra tay rồi. Anh rủ chồng Hương đi nhậu, hỏi kỹ tình hình xem sao, rồi chung tay giải quyết nhé. Đàn ông các anh kỳ quá. Có những việc bàn thảo là được giải quyết êm ấm, chứ cứ ém nhẹm rồi banh chành, dắt dây từ chuyện này qua chuyện kia”.

Tôi thở phào khi chồng nhắn lại: “Ừ, anh hẹn cậu ấy liền đây. Anh sẽ giải quyết. Em lo chỗ Hương thôi”. 

Theo phụ nữ TPHCM