leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ông bà Chính cưới nhau ở quê, rồi đưa nhau vào Sài Gòn lập nghiệp hơn 30 năm. Họ có 2 cô con gái đã lập gia đình. Ông Chính bàn với vợ, vài năm nữa sẽ bán nhà, về quê sống quãng đời còn lại. Ông cho rằng, ông bà nuôi dạy con nên người, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ với con cái. Tiền bán nhà, ông sẽ trích xây căn nhà cấp 4 nho nhỏ, trên mảnh đất cha mẹ ông để lại; số tiền còn lại sẽ gửi ngân hàng lấy lãi hằng tháng chi tiêu, không trông chờ, ỷ lại, làm phiền con cái về tài chính. Nếu ở lại Sài Gòn, ông bà không có lương hưu, không có nhiều của cải tích lũy thì tuổi già khó sống.

Bà Chính thì thích sống gần con cái để nương tựa nhau. Bà muốn sau này ông bà nhận phần chăm sóc, đưa đón cháu ngoại, con cháu có chuyện gì bất trắc thì ông bà lập tức có mặt. Ngược lại, ông bà có bệnh thì con cái ở gần chăm sóc sẽ thuận tiện. Tuổi già không con cái sẽ cô đơn biết bao nhiêu.

Bà Chính vốn lo xa. Bà đòi phải giữ ngôi nhà để con cái về thăm cha mẹ. Nhà cửa là nơi để sum vầy, sao nỡ bán vì lý do không chính đáng chút nào. Không có con thì thôi, còn khi đã có con, về già dĩ nhiên phải nương tựa con cái về mặt tinh thần. Đau bệnh xuống, hay có chuyện đột xuất, chuyện khó giải quyết, bà luôn nghĩ tới con cái đầu tiên. Rồi chưa kể, giữ nhà cửa để con có... giận chồng thì xách gói về nhà cha mẹ; chứ như bà ngày xưa, những lúc giận chồng chẳng biết đi đâu, nhà cha mẹ ruột cách cả ngàn cây số. Phụ nữ lấy chồng xa, bà thấy quá thiệt thòi. Bà “bàn ra” chuyện bán nhà với ông.

Ông Chính, sau khi nghe ý “giữ lại nhà để con gái tá túc những khi giận chồng”, ông không giữ được bình tĩnh, cho rằng bà Chính dạy hư con, đàn bà con gái giận chồng mà xách gói về nhà mẹ đẻ là trốn chạy thực tế, đẩy chồng vào thế tiêu cực, làm phiền lòng cha mẹ... 
Bà Chính không chịu, nói vợ chồng xung đột, kiểu gì vợ cũng thiệt thòi. Bà cho rằng ông bảo thủ, vô tâm. Con gái giận chồng, không về mẹ thì về đâu? Về để mẹ nói thiệt hơn, chứ có phải về để mẹ xúi con cái ly hôn hay ép con gái chịu thiệt đâu. Dĩ nhiên, cái nào đáng giận mới giận và bà thích con về với ba mẹ trong tâm thế nhớ ba mẹ mới về.

2 cô của con gái của ông bà, dù đã có gia đình, nhưng rất quan tâm đến ba mẹ, luôn muốn ba mẹ ở gần để được thăm nom chứ không cần ba mẹ ở gần để giữ cháu. Theo 2 cô, ông bà dù thương con cháu tới đâu cũng chưa chắc khiến vợ chồng các cô hài lòng, vì cách chăm cháu của người có tuổi khác với người trẻ. Ba mẹ cũng từng vất vả vì con cái, tuổi già phải được nghỉ ngơi.

2 cô biết rằng, dù ba mẹ không lương hưu nhưng cũng có dành dụm ít tiền, bây giờ vẫn còn làm ra tiền, dù không nhiều nhưng vẫn có thể tích lũy, hơn nữa cũng không còn gánh nặng con cái nữa, bảo hiểm y tế năm nào cũng mua thì có gì mà sợ ngày già.

Còn nhớ thời còn đi học, mẹ ngày nào cũng rỉ vào tai con gái ráng học hành, sau này có công việc ổn định thì sẽ có cuộc sống tốt hơn ba mẹ. Nhờ thế mà 2 cô biết phấn đấu, có công việc có thu nhập tốt. Họ đã mở một tài khoản ngân hàng, hằng tháng gửi tiền vào, vì nghĩ ba mẹ rồi cũng sẽ già đi, bệnh tật, lúc đó ba mẹ, con cái không quá bị động chuyện tiền bạc.

Các cô động viên ba mẹ ở lại Sài Gòn, rằng ngày trẻ vất vả là thế, giờ con cái lớn khôn, dù không ở chung nhà nhưng vẫn chung một thành phố, chạy qua chạy lại, nương tựa vào nhau, mọi chuyện sẽ vững như kiềng 3 chân. Đang yên đang lành, nếu một ngày nào đó ba mẹ bán nhà, động lực đâu để các cô làm việc, vui sống? Con gái dù lấy chồng rồi nhưng vẫn yên tâm vì có ba mẹ làm điểm tựa tinh thần, có nơi để đi về những lúc nhớ thương, không bơ vơ, hiu quạnh. Các cô muốn được ba mẹ “làm phiền” mới thấy cuộc sống có ý nghĩa, mới có điều kiện báo hiếu...

Ông Chính dường như đã nghe ra, không giục chuyện bán nhà nữa. Vợ chồng các con về sửa sang lại nhà cửa, thay mới vài thiết bị đã xuống cấp, mua thêm mấy giò phong lan làm đẹp ngôi nhà. 

Theo phụ nữ TPHCM