Cô Hạnh Dung kính mến,

Mẹ con mới về hưu, tinh thần đang hết sức phấn chấn. Mẹ trẻ hẳn lại, lên đủ thứ kế hoạch đi chơi, học này học kia, làm thêm việc này việc nọ... thì đùng cái phát hiện ung thư vú.

Dù bác sĩ nói mẹ ở giai đoạn sớm, sau khi mổ và vào hóa chất mọi việc đã trở lại bình thường, nhưng đúng giai đoạn này mẹ phát hiện bố có nhân tình.

Thật ra bố đã có nhân tình từ 2 năm nay. Chị em con đều biết và cố giấu mẹ, chỉ đấu tranh với bố, và bố cũng đã chấm dứt rồi. Nhưng không hiểu sao mẹ tự tìm được vài điều liên quan, từ đó mẹ lần ngược trở lại và biết được sự thật.

Từ lúc đó phát hiện tới nay đã 3 tháng, mẹ suy sụp hoàn toàn, cứ đòi chết hoài. Mẹ nói bố chê mẹ vì biết mẹ bệnh tật, mẹ mất đi bộ phận đẹp đẽ nhất của phụ nữ, nên mẹ không còn tự tin nữa. Mẹ cho rằng trước sau gì bố cũng có nhân tình.

Rồi mẹ toàn đi tìm và hướng về các thông tin tiêu cực, kiểu như người này người kia bị tái phát, tái phát là "đi" nhanh lắm. Rồi mẹ khẳng định là nếu tái phát thì mẹ không chữa nữa, để "đi" cho khỏe người.

Bố cũng rất ân hận, vì từ khi mẹ bệnh, bố thương mẹ nhiều hơn, cũng giải thích cho mẹ mọi điều, rằng đó là sai lầm tức thời thôi... Nhưng mẹ khăng khăng không chịu nghe, còn đòi ly hôn nữa...

Tụi con giờ không biết làm sao để mẹ sống vui vẻ, tích cực trở lại như ngày xưa?

Thanh Nguyên

leftcenterrightdel
 

Thanh Nguyên thân mến,

Những diễn biến tâm lý của mẹ con lúc này cũng là bình thường với nhiều người, khi mắc vào căn bệnh mà người ta liệt kê trong tứ chứng nan y. Bất kể là y học ngày nay phát triển mạnh, bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì không phải là không có hy vọng chữa khỏi, nhưng tâm lý mọi người vẫn luôn hoang mang, lo lắng, sợ hãi.

Còn một điều này nữa, các chị em phụ nữ bị bệnh ung thư vú, ung thư tử cung... thường tự ti, mặc cảm khi bị bệnh đúng vào những vị trí nhạy cảm, quan trọng với đời sống tình dục, hôn nhân gia đình.

Biết rằng đó là điều bình thường không phải để chủ quan, bỏ mặc mẹ với những suy sụp tinh thần, mà để cả nhà bình tĩnh hơn trong việc giúp đỡ mẹ, tìm ra những cách tiếp cận và gỡ những cảm xúc đó ra khỏi mẹ, đưa mẹ trở lại trạng thái bình thường.

Làm được điều này cần phài kiên nhẫn, yêu thương và chăm sóc mẹ thật nhiều. Một trong những phương thức chữa bệnh ung thư tốt nhất chính là tình yêu thương của mọi người dành cho người bệnh.

Chính tình yêu thương giúp người ta cảm nhận là cuộc đời đáng sống. Khi cảm nhận cuộc đời đáng sống thì người ta sẽ đấu tranh với nó để có thể vượt qua những khó khăn tinh thần và thể xác.

Cách đây mới chỉ chừng hơn chục năm, những người bị bênh ung thư rất cô đơn trong thế giới bệnh tật hiểm nghèo của mình. Họ giấu diếm, sợ mọi người biết mình bi bệnh, sợ những định kiến ác độc của người đời, theo kiểu "Sống ác nên mới bị bệnh đó".

Nhưng nay chuyện đó hoàn toàn không còn nữa. Ngay trên các trang mạng xã hội, những hội nhóm người bị bệnh có khá nhiều, nhất là những người phụ nữ bị hai căn bệnh về vú và tử cung.

Họ đoàn kết, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm chữa bệnh, kinh nghiệm phục hồi súc khỏe, kinh nghiệm dinh dưỡng và tập luyện thể chất. Họ có nhiều hoạt động cộng đồng rất tích cực để có thể giúp đỡ, động viên nhau.

Những hội nhóm này là những liều thuốc tinh thần rất tốt với mọi người bệnh, con nên khuyến khích mẹ tham gia, thậm chí là nên bỏ thời gian tham gia cùng mẹ. Hai mẹ con sẽ thu thập được nhiều kiến thức bổ ích từ mọi người.

Nhưng quan trọng hơn cả là tinh thần sẽ được nâng đỡ rất nhiều trong cộng đồng những người cùng bệnh. Bởi vì rất nhiều người trong số họ rất tích cực, lạc quan và vui vẻ. Không phải vì họ tin là mình sẽ hết bệnh hoàn toàn, mà vì họ trở nên yêu quý, trân trọng hơn những ngày còn được sống, để mà sống vui, sống lạc quan và tích cực hơn.

Con hãy tìm cách lan tỏa tinh thần này cho mẹ. Nói một cách đơn giản với mẹ, là nếu như có bệnh mà phải chết, thì đằng nào cũng có tránh được đâu, dân gian có câu "Trời kêu ai nấy dạ" mà. Vậy sao không chọn cách sống vui với thời gian còn lại của mình trên trái đất này, bên cạnh người thân, bạn bè.

Con và cả nhà hãy chăm sóc, quan tâm, gần gũi mẹ nhiều hơn. Làm sao cho mẹ luôn cảm thấy mình được bao bọc bởi tình yêu thương. Bố con là người phải làm việc đó nhiều hơn cả, bù đắp vào nỗi đau tinh thần kép mà mẹ đang gánh chịu.

Lựa theo tình hình sức khỏe của mẹ mà đưa mẹ đi chơi, nghỉ dưỡng hay đơn giản là ra ngoài ăn uống để được nhìn ngắm cuộc sống. Động viên mẹ cứ tiếp tục những kế hoạch mình đã đề ra trước khi nghỉ hưu, học gì đó, tập làm gì đó, chăm cây cối hay nuôi con gì đó nếu mẹ thích. Hướng cuộc sống của mẹ vào việc dành năng lượng của mình cho việc chăm sóc vật khác hay người khác, tùy theo sức của mẹ, và cùng làm với mẹ.

Phục hồi sau bệnh tật là một quá trình dài cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy kiên nhẫn và cho mẹ thời gian, giữ cho gia đình mình lúc nào cũng trong một tinh thần tích cực, để mẹ có không gian thoải mái mà phục hồi.

Theo phụ nữ TPHCM