Cô Hạnh Dung kính mến,

Xin cô chỉ cách cho gia đình tôi giúp mẹ tôi thoát khỏi những bi quan, đau khổ. Gia đình chúng tôi vừa mất đi một người ruột thịt, là anh Hai của chúng tôi. Tai nạn xảy qua quá đột ngột khiến mẹ tôi bị sốc nặng.

Suốt 5, 6 tháng trời, mẹ sống như người vô hồn; lúc nào mẹ cũng ân hận vì hôm đó hối thúc anh phải đi mua vài món đồ cho bà. Mẹ nói rằng bà là người giết con.

Giờ đây, điều chúng tôi sợ nhất là mẹ sẽ tự tử, hay sẽ tự hành hạ bản thân đến chết. Nhiều lần chúng tôi nhắc mẹ là bà còn có chúng tôi, có các con, các cháu và phải cố vượt qua để mà sống với con cháu. Nhưng bà khăng khăng từ chối mọi sự giúp đỡ của mọi người.

Từ một người hoạt động đoàn thể, xã hội năng động, mạnh mẽ và có uy tín, giờ mẹ già xọp hẳn và chỉ nằm một chỗ. Nếu có thức dậy là để đi ra bàn thờ của anh tôi thắp nhang. Không khí trong nhà thật khủng khiếp. Chúng tôi phải làm gì để giúp mẹ vượt qua đau khổ đây?

Chu Thị Nhã Uyên

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Nhã Uyên thân mến,

Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất đi đứa con của mình, chắc có lẽ ai cũng hiểu được điều này. Thế nhưng, như người ta thường nói, người mất thì đã mất rồi, người còn sống thì phải sống tiếp, và sống tốt hơn nữa, sống giùm phần của người đã mất.

Thế nhưng hiểu được điều đó và sống được như thế là điều vô cùng khó khăn, nhất là với trái tim người mẹ, và nhất là trong trường hợp như mẹ chị, người cứ mãi dằn vặt vì cho rằng mình có lỗi trong cái chết của đứa con thân yêu. 

Điều trước tiên anh chị và cả nhà có thể làm được, là hãy cho mẹ thời gian, để mẹ từ từ bình tĩnh lại. Vài ba tháng để chấp nhận một sự thật là mình đã mất đi một đứa con không phải là nhiều đâu, chị ạ. Những nỗi đau thậm chí không bao giờ biến mất hết, mà chỉ là được xếp gọn, cất sâu vào một góc trái tim, để dành cho những phần khác của đời sống như sự thương yêu, tha thứ, niềm vui có chỗ của mình mà thôi.

Vì thế, chị và gia đình đừng mong bà quên đi, đừng thúc giục bà hãy quên đi, mà hãy giúp mẹ cảm nhận được xung quanh bà còn bao nhiêu yêu thương khác nữa, còn bao nhiêu đứa con đứa cháu cần sự yêu thương của bà. Hãy để các cháu về bi bô cạnh bà, chăm sóc bà, quấn quýt với bà, nếu như bà đã có các cháu. Các anh chị cũng hãy dành thời gian về ở bên bà nhiều hơn, dành cho bà sự ôm ấp, thương yêu.

Hãy giải tỏa cho bà tâm lý mặc cảm rằng vì mình mà con trai bị tai nạn, để cho bà hiểu rằng đó là những xui rủi mà nhiều người có thể tình cờ va vấp phải trong cuộc đời. Nếu không phải vì bà, thì vì chính mình, vì mưu sinh, vì đời sống mà ai cũng phải ra đường, và có thể chỉ một chút bất cẩn, lơ đễnh của chính mình hay của người khác là tai nạn xảy ra.

Với nhiều người trong hoàn cảnh này, Phật pháp, thiền hay cả việc đi xa, đến một nơi an tĩnh nào đó nghỉ ngơi và suy ngẫm về sự vô thường của đời sống... cũng sẽ giúp người ta hiểu ra và tha thứ được cho bản thân. Anh chị hãy tìm hiểu và thử xem điều gì có thể giúp mẹ được nhiều nhất, thì đưa mẹ đến với điều đó, đưa điều đó vào cuộc sống của mẹ.

Điều quan trọng là rồi thời gian qua đi, sẽ giúp mẹ nguôi ngoai dần, lúc này các anh chị hãy cố gắng chăm sóc mẹ cả về thể chất, bồi bổ cho mẹ, thay đổi món, giúp mẹ ăn được đủ với thể lực của bà. Khi có sức khỏe, con người ta dễ vượt qua cú sốc tinh thần hơn.

Theo phụ nữ TPHCM