leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thanh Hoài là bạn từng học chung cấp III với tôi. Hiện chúng tôi ở chung thành phố nên vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau. Có nhiều điều ở bạn khiến tôi phải ghi nhận và học hỏi, trong đó, việc kiểm soát giọng nói là bí kíp cần thu lượm đầu tiên.

Thông thường, ai cũng nghĩ để kiểm soát được giọng nói thì trước hết phải kiểm soát được cảm xúc. Mỗi người chỉ có thể nói năng bình thường, rành mạch khi tâm trạng bình thường. Khi tâm trạng không tốt, lý trí bị những cơn giận, cảm xúc tiêu cực chiếm giữ thì tất nhiên từ ánh mắt, cử chỉ đến giọng nói phát ra cũng phẫn nộ.

Lý thuyết là vậy, thế nhưng nhiều lần ngồi với Hoài, bạn đã chứng minh điều ngược lại. Những lúc bất như ý, bạn vẫn giữ tông giọng vừa phải, nhịp thở đều. Cùng với khuôn mặt hài hòa, bạn bình tĩnh lắng nghe hết lý lẽ của đối phương, lùi lại một bước để tiếp nhận và chuyển hóa thông tin, sau đó mới truyền đi những nội dung mình cần trao đổi.

Phương pháp của bạn khiến tôi nhớ đến nhiều tình huống trong phim Câu chuyện hoa hồng đình đám dịp gần đây. Trong phim, Hoàng Diệc Mai (diễn viên Lưu Diệc Phi thủ vai) là nhân vật chính. Cô ấy trải qua 3 mối tình với những cung bậc tình cảm khác nhau. Theo suốt bộ phim, tôi nhớ nhất tình huống khi Hoàng Diệc Mai bay từ Bắc Kinh đến Thượng Hải tìm gặp người chồng cũ Phương Hiệp Văn (diễn viên Lâm Canh Tân đóng) để thỏa thuận về quyền nuôi con.

Trước đó, Hiệp Văn cho rằng vợ cũ mải mê yêu đương cùng người tình mới nên bỏ bê việc chăm sóc con gái Tiểu Sơ. Anh ghen tuông, tức tối, tìm mọi cách để đón bé về ở với mình. Sau khi giải quyết công chuyện cá nhân ở Bắc Kinh, Hoàng Diệc Mai đã lập tức tìm đến Hiệp Văn, cô quyết dốc toàn lực, một phen giành lại con bằng được. Thế nhưng, giây phút gặp nhau, cuộc hội thoại giữa họ “bẻ lái” bất ngờ khi Hoàng Diệc Mai mở đầu câu chuyện bằng tông giọng điềm tĩnh, nhẹ nhàng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong suốt buổi trò chuyện sau đó, cô liên tục thể hiện sự đồng cảm với tâm trạng, hoàn cảnh của người chồng cũ. Cô cũng chủ động ghi nhận những nỗ lực, thành quả của anh trong thời kỳ hậu ly hôn. Thay vì đưa ra những lý lẽ để giành quyền nuôi con, Hoàng Diệc Mai khẳng định: “Việc anh tự ý giữ Tiểu Sơ ở Thượng Hải, mặc dù tôi không đồng tình nhưng tôi cũng hiểu, anh chỉ đang dùng cách của mình để bảo vệ con bé. Mặc dù chúng ta khác nhau về quan điểm hôn nhân, giáo dục nhưng cả 2 đều xuất phát từ cái tâm tốt. 2 chúng ta đều lần đầu làm cha làm mẹ, đều “mò đá qua sông”, có ý kiến bất đồng thì nên bình tĩnh trao đổi với nhau, chỉ trích, tranh chấp với nhau đều không có lợi cho con. Vốn dĩ tôi và anh ly hôn, con đã chịu nhiều thiệt thòi. Để bù đắp cho con, anh và tôi cần đồng sức đồng lòng giải quyết”.

Mặc dù ban đầu Hoàng Diệc Mai đã rất tức giận nhưng trong cuộc trò chuyện, cô không hề hạ thấp đối phương, trái lại còn trao cho chồng cũ một sự cảm thông, một vị trí anh cần có. Nhờ sự dịu dàng, điềm tĩnh, nhờ kiểm soát được giọng nói, nhân vật nữ chính đã không thêm dầu vào lửa, đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm, cao trào. “Chỉ cần tốt nhất cho con, điều gì tôi cũng ủng hộ” - Hoàng Diệc Mai đã khóa lại cuộc trò chuyện bằng câu nói ấy, nhưng trên thực tế cô đã mở ra phía trước rất nhiều con đường.

Nhân vật trong phim hay người bạn gái ngoài đời của tôi đều là những phụ nữ hiện đại. Họ biết cách “giữ mình” hơn là “giữ người”, từ chỗ nâng cấp bản thân bằng sự dịu dàng, trưởng thành, họ đã hóa giải, thay đổi được mọi cục diện căng thẳng. Với họ, sẽ chẳng bao giờ có cuộc đối thoại nào đi vào ngõ cụt vì họ luôn linh hoạt, uyển chuyển, biết “rẽ lối” khiến đối phương bị động, bất ngờ.

Tôi nhận ra, trong cuộc sống, đôi khi, chuyện bé xé ra to không phải do nội dung, nội hàm câu chuyện, tất cả là do cách ta thể hiện, thái độ khi trao đi những câu từ.

Kiểm soát giọng nói đích thực là một bí kíp giúp nhiều cặp đôi hạn chế căng thẳng, đạt được bình an.

Theo phụ nữ TPHCM