Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và chồng đang ở vào hoàn cảnh vô cùng éo le. Bố em mất từ lâu rồi, mẹ một mình nuôi em từ khi em mới 12 tuổi. Vì thế, từ trước khi có người yêu, em đã tuyên bố là chỉ lấy chồng với điều kiện chồng phải chấp nhận ở rể.

May mắn là chồng em đã đồng ý điều kiện đó với thái độ vui vẻ. Anh vẫn thường nói yêu thương và ngưỡng mộ mẹ em, vì bà hy sinh cuộc đời mình cho em. Khi cưới nhau, chồng em đồng ý dọn về ở với mẹ con em, vì mẹ em đã có nhà và chỉ có mình em là con.

Cuộc sống trôi qua êm ả được 7 năm thì nay bố chồng em mất. Mẹ chồng và bố chồng rất yêu thương nhau, nên khi ông mất đi, bà suy sụp, buồn bã nhiều. Bác sĩ khuyên phải gần gũi chăm sóc bà, đừng để bà tủi thân một mình.

Chồng em ngỏ ý muốn được về ở cùng bà, vì nhà cũng rộng rãi, mà anh thì cũng muốn được thoát cảnh "chó chui gầm chạn" bấy lâu. Câu nói của anh khiến em muốn nổi điên, em nhắc lời anh hứa trước kia, và nói rằng nếu anh không giữ lời hứa thì sẽ ly hôn.

Chồng em nói cái gì cũng có thời hạn. Hoàn cảnh thay đổi thì phải thay đổi cuộc sống. Mẹ em còn khỏe, còn mẹ anh thì đang suy sụp quá.

Mẹ chồng em đề nghị đưa cả mẹ em về chung sống, còn nhà mẹ em thì cho thuê. Em và mẹ em thấy như thế có vẻ kỳ kỳ. Trên đời này làm gì có chuyện hai bà sui ở chung với nhau? Tính khí hai bà khác nhau, em sợ về ở chung nhà, phải chịu đựng một lúc hai người già đã là chuyện khó, hai bà mà mâu thuẫn nhau thì không biết con cái bênh ai đây?

Em không biết làm sao để xử lý mọi việc. Mong chị Hạnh Dung cho em lời khuyên.

Hoàng Nga

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Hoàng Nga thân mến,

Trên đời này, không có việc gì là không thể. Nếu mọi việc được sắp xếp một cách hợp lý, hợp tình, và tạo nên điều bình yên, tốt đẹp cho tất cả mọi người, thì dù nó có lạ lẫm hay trái với bình thường bao nhiêu, nó cũng là điều tốt đẹp, em nhé.

Trong trường hợp của vợ chồng em, dù đúng là anh ấy không giữ lời hứa làm theo điều kiện ban đầu em đưa ra, nhưng em cũng không nên "nổi điên" lên, mà hãy thông cảm cho anh. Bởi ai cũng có mẹ, và hiện tại thì cả hai người đều đang có hai mẹ. Ai cũng phải công bằng trong việc chăm lo và báo hiếu cho mẹ mình.

Hoàn cảnh giờ đây đã thay đổi, điều mà trước kia vợ chồng em không hề nghĩ đến. Nhưng nếu cứ khăng khăng làm theo thỏa thuận ban đầu của em, thì mẹ anh sẽ ra sao? Đây càng không phải là vấn đề đơn giản, khi tình trạng mẹ anh tệ đi như thế, và cũng đã có lời khuyên của bác sĩ.

Bây giờ là lúc không phải chỉ riêng em bàn bạc với anh, mà nên có sự tham gia đóng góp ý kiến của cả hai mẹ. Vì đó là cuộc sống của hai mẹ, rất cần có quyết định của họ để họ được thoải mái trong tuổi già của mình.

Cách mẹ chồng em đưa ra cũng không phải là ý tồi, nếu cũng được mẹ em tán thành. Khi hai bà chung nhà, em sẽ tiện bề chăm sóc. Nếu có thể chấp nhận, nhường nhịn nhau, thì hai người già cùng tuổi tác sẽ có bạn để trò chuyện, tâm sự, cũng là điều rất tốt.

Trong trường hợp mẹ em không muốn sống chung, mà còn sức khỏe, có thể sống riêng được, thì vợ chồng em cũng nên chiều ý bà, miễn là cả hai cam kết thường xuyên về thăm bà. Mẹ chồng em cũng nên thường xuyên gặp gỡ bà để có thể dần thuyết phục bà về chung sống như một gia đình lớn...

Nói chung Hạnh Dung nghĩ có rất nhiều phương án có thể tính đến, nếu mọi người cùng suy nghĩ cho nhau, vì nhau. Quan trọng nhất là chọn điều đáng quan tâm, và ưu tiên điều nào trước, điều nào sau để có thể từ từ giải quyết từng vấn đề.

Bên cạnh đó, em cũng đừng phân biệt mẹ anh mẹ tôi, mà hãy nghĩ về cả hai mẹ với một cụm từ "mẹ chúng ta", làm sao để cả hai mẹ được bình yên vui vẻ, mà vợ chồng em cũng thoải mái, vui vẻ tinh thần, trong sự an tâm là mình đã chu toàn được tình yêu thương và nghĩa vụ.

Theo phụ nữ TPHCM