Chị Hạnh Dung kính mến,

Em ly hôn đã 2 năm. Chẳng may, sau khi ra tòa ly hôn được vài ngày thì chồng em mất vì đột quỵ. Mẹ chồng đổ cho em hại chết chồng, cấm em xuất hiện trong đám tang. Chuyện lúc ấy vô cùng phức tạp, nhưng thôi cũng qua rồi. Điều khiến em thấy bế tắc bây giờ là việc cho con về thăm ông bà nội.

Con em rất thương ông bà nội. Em cũng thương ông bà cô quạnh (chồng em là con một) nên muốn các con thường xuyên về thăm. Có điều, mỗi lần các cháu về, bà lại dựng lên đủ chuyện để nói xấu em. Bà nói nếu em biết thương con, thương chồng thì hôn nhân đã không tan vỡ và ba bọn trẻ không đến nỗi phải ra đi.

Con gái em 12 tuổi, thỉnh thoảng chia sẻ rằng, không biết làm thế nào để “hòa giải cho bà và mẹ”, còn con trai 17 tuổi thì chỉ im lặng. Mỗi lần cháu về nội, em gọi điện cháu không dám bắt máy. Cháu nói: “Con sợ nói chuyện điện thoại với mẹ làm bà nội nhớ ra là có mẹ trên đời, rồi bà lại lôi chuyện cũ”.

Chuyện ly hôn là do chồng em ngoại tình. Họ đã gắn bó với nhau từ thời còn đi học. Lúc đó, em biết không thể kéo anh về, nên quyết định ly hôn. Chuyện này các con em cũng biết. Nhưng mẹ chồng em vì quá đau lòng nên không thể nhìn nhận sáng suốt.

Em không trách bà. Chỉ không biết các con nghe những lời buộc tội của bà lên mẹ, liệu có bị ảnh hưởng tinh thần. Em nên làm sao để hóa giải chuyện này?

H.Ly (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

H.Ly mến,

Em là người phụ nữ hiểu chuyện. Có lẽ đây là điều may mắn trong chuỗi câu chuyện trớ trêu này. Hạnh Dung hiểu mối quan hệ của em với bà nội bọn trẻ hiện rất nhạy cảm và rất khó để bà tiếp thu ý kiến nào đó từ em. Dù vậy, em có thể một lần nói với bà, xem như một lần trải lòng, biết đâu có thể khiến bà đồng cảm.

Dẫu gì, cả hai cũng cùng trải qua một nỗi đau. Có thể một duyên may nào đó, khi em chia sẻ, sẽ chạm vào lòng bà và giúp bà đón nhận mọi chuyện một cách lành mạnh hơn, nhiều yêu thương hơn. Đây cũng là cách để em giải tỏa những dằn vặt bên trong, để không phải day dứt liệu mình đã mở lòng đủ chưa, đã hết sức chưa trong việc hàn gắn với bà nội bọn trẻ.

Dẫu vậy, cần phải thừa nhận rằng, rất khó để thay đổi hành động của một người thứ ba nào đó trong một mối quan hệ. Vì vậy, trong chuyện dạy con, em chỉ có thể kiểm soát mối quan hệ giữa em và con.

Nếu không thể tác động và xoay chuyển hành động của bà nội, ông nội hay bất kỳ người nào khác thì đó cũng là điều thường tình, cần phải chấp nhận. Nhưng tin mừng là nếu em và con có một mối quan hệ lành mạnh, có kết nối và tin tưởng thì em vẫn đủ sức dẫn dắt tinh thần cho con mà không ngại người khác làm con lay chuyển.

Cần phải nói cho con hiểu bà nội đã trải qua nhiều nỗi đau đến mức bà không thể mở lòng, thấu hiểu cho những người liên quan. Việc bà liên tục nói không tốt về mẹ là một cách để bà giải tỏa. Mẹ và các con không ủng hộ cách làm đó, nhưng vẫn có thể hiểu và thông cảm cho nỗi đau bên trong bà.

Sự diễn giải và phân tích của em sẽ làm các con đỡ buồn khổ hơn khi nghe những lời không hay của bà nội. Các cháu sẽ tiếp nhận chúng như một biểu hiện yếu đuối của bà, thay vì là một hành vi chia rẽ gay gắt.

Điều quan trọng nữa là hãy hướng cho các con lắng nghe và tôn trọng cảm xúc, nhu cầu của bản thân. Nếu các con thấy việc gặp và nghe bà nói chuyện là một áp lực, các con có thể giãn tần suất đến thăm bà hoặc chính các con có thể chia sẻ với bà về cảm giác của mình.

Và khi chia sẻ, tuyệt đối không đánh giá về hành động, lời nói của bà mà hãy chỉ tập trung bày tỏ những cảm giác của mình. Các con thấy buồn ra sao, khó xử, đau lòng thế nào khi nghe bà nói về mẹ… đều có thể chia sẻ với bà. Vì thương cháu, khi biết lời mình nói ra làm tổn hại đến cháu, dần dà bà sẽ thay đổi.

Chuyện sẽ không thay đổi một sớm một chiều. Nhưng Hạnh Dung tin rằng, khi ta tác động đúng cách, mọi người sẽ dần nhẹ lòng hơn. Chúc em sớm vượt qua và sống an vui như em xứng đáng.

Theo phụ nữ TPHCM