Xóm tôi nằm ở ngoại ô, đa phần là người nhập cư. Xóm được bao bọc bởi những hàng tre, giàn mướp hay những cây ăn trái quanh năm. Người dân lúc nào cũng xuề xòa như những cái hàng rào kẽm đơn sơ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhưng rồi không biết ở đâu, nạn trộm vặt, ăn nhậu, ca hát ì xèo, thả chó mèo ra đường ngày càng nhiều, ảnh hưởng không ít đến tình làng nghĩa xóm. Thế là nhà nào cũng cửa đóng then cài cả ngày, chỉ có người già thỉnh thoảng hàn huyên bằng cách từ bên hàng rào nhà mình nói với sang hàng rào bên kia. Đó là chuyện thằng T. bỏ học giữa chừng đi sửa xe máy, chuyện nhỏ B. chờ đủ tuổi lấy chồng Việt kiều, chuyện thằng N. mới bây lớn đã ngỗ nghịch, nghiện game…

Những người hàng xóm biết tuốt đổ cho xã hội đã làm ra điều đó với lũ trẻ. Rồi họ nhận được sự đồng cảm từ những bình luận trên mạng xã hội khi học trò nhốt cô, sỉ nhục thầy… Cái hàng rào nghe mà hoang mang!

Cái hàng rào xóm tôi không còn là nơi cho bọn trẻ chơi đánh đáo, chọi lon, đá ngựa bông cỏ gà hay thỉnh thoảng ngồi dưới tán hoàng lan để kể chuyện tuổi thơ nữa. Cũng không còn tiếng trẻ con nhờ người bên trong hàng rào lấy giùm trái banh, quả cầu rơi vào sân nhà vì chúng cảm nhận được người lớn không còn vui vẻ, dễ chịu như xưa.

Cũng dễ hiểu thôi bởi trước đó cái hàng rào xinh đẹp, nên thơ được phủ bởi khóm dâu tằm chứng kiến nhiều trận ẩu đả giữa 2 nhà vì trồng dâu mà không biết… dạy dâu trổ cành. Cứ đến kỳ là nhà này chặt bẻ cành dâu nhà kia. Bởi trước đó hàng rào từng run sợ vì sau khi có một trận ẩu đả mồm, các “đấu sĩ” liền ném đồ dơ sang nhà nhau cùng những lời thách “ở trong nhà luôn nghe, ra đường là ông cho biết tay”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Wirestock

Tôi nhớ những cái hàng rào xóm tôi rất đẹp. Đó là những hàng chuối mát rượi, những bụi hồng, tầm xuân mơn mởn hay những khóm tre phủ mát con đường bê tông, xào xạc mỗi trưa hè. Đó từng là nơi bọn con nít trong xóm mê đến và yêu quý nhưng bây giờ chúng đã biết sợ vạ lây, sợ chó cắn, sợ mọi thứ lạnh lùng. Những cái hàng rào giờ trở thành tấm khiên lạnh lẽo, ngăn cách những con người chỉ biết sống cho mình.

Những cái hàng rào cũng biết xấu hổ khi bị chủ nó cứ thỉnh thoảng cho nghiêng ra đường để được dựng xê ra một chút, lấn một chút, có khi méo xệch rất phản cảm. Rồi nó bị chủ len lén khoan đục dưới đáy để thông ống cống trong nhà ra cống thoát nước mưa chung, mà khi xây dựng đã cam kết với nhau không cho thông nước sinh hoạt.

Hàng rào cũng biết mệt mỏi khi bị tòa án xuống yêu cầu chủ nó trả lại hiện trường ban đầu nhưng bằng cách nào đó điều ấy không được thực hiện bởi sự tham lam. Và hậu quả là mối nguy hiểm luôn chực chờ trong khu xóm, bởi nếu hỏa hoạn xảy ra thì làm sao xe cứu hỏa có thể vào tận nơi để cứu.

Hôm nay, hàng rào không còn nhiều tiếng í ới cho nhau đồ ăn, rủ nhau nấu nướng, giỗ quải hay la dạy tụi con nít nữa. Thay vào đó chỉ còn những ánh mắt dò xét, nghi kị, sẵn sàng làm mọi thứ để giành phần thắng về mình.

Người xóm tôi cạn dần tiếng chào nhau khi chạm mặt, hàng rào buồn nhưng không nói được!

Theo phụ nữ TPHCM