leftcenterrightdel
 Nhân vật bà mẹ trong "Lật mặt 7 - Một điều ước". Ảnh: Internet.

Lật mặt 7 - Một điều ước kể về chuyện một người mẹ một mình nuôi 5 con khôn lớn. Khi già yếu, bà sống cùng cô con gái thứ ba và cháu ngoại. Chẳng may, bà bị gãy chân đúng lúc cháu ngoại nhập viện và con gái không thể cùng lúc chăm sóc cả cháu lẫn bà. 4 người con còn lại, tất thảy đều thương mẹ, nhưng tất thảy đều có những bận tâm riêng, không ai có thể chăm mẹ chu toàn.

Cuối cùng, họ thống nhất giải pháp đưa mẹ đi “du lịch” mỗi tuần một nhà, dù mỗi nhà ở một thành phố khác nhau. Bà mẹ vô tình nghe được chuyện các con sắp xếp chăm mình, bà khóc vì thấy mình là gánh nặng. Vậy là bà bán hết đất, chia tiền cho các con, và giữ lại một phần cho mình rồi vào viện dưỡng lão.

Kết thúc phim, các con đi tìm mẹ, xây nhà cho mẹ và thuyết phục mẹ về ở cùng, hứa sẽ về thăm mẹ thường xuyên. Có thể gọi đó là kết thúc có hậu theo quan niệm con cái, cha mẹ quây quần của người Việt. Nhưng giả sử bà mẹ vẫn ở viện dưỡng lão thì có bị xem là một kết thúc thiếu nhân văn không?

Tôi chỉ có một cô con gái duy nhất, hẳn là sau này khi tôi trăm tuổi, nó sẽ chẳng có ai để mà đỡ đần hay đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc mẹ. Nhưng từ khi con còn bé, tôi đã bảo với con rằng sau này tuổi già, tôi sẽ không thích ở nhà quẩn quanh bốn bức tường, chờ con đi làm về, chờ cháu đi học về và… chờ chết. Tôi sẽ vào viện dưỡng lão, sinh hoạt cùng các bạn đồng niên, nhảy múa, hát ca và tận hưởng cho đến những ngày cuối của cuộc đời mình. Việc con cần làm là… kiếm đủ tiền cho tôi vào viện dưỡng lão cao cấp và sắp xếp hàng tuần vào thăm tôi.

Ngày đó, bé con rất hào hứng khi nghe kế hoạch này, bảo là sẽ ráng học để kiếm nhiều tiền, bảo là hàng tuần không chỉ vào thăm mà còn ngủ lại với tôi, bảo là nếu có chồng sẽ dẫn chồng vào ngủ cùng với mẹ luôn… Thật là một kế hoạch tuyệt vời, nhưng tôi biết không có gì chắc chắn con sẽ làm được như những gì mình nói lúc bé. Như bà Hai - bà mẹ trong phim của đạo diễn Lý Hải tôi vừa kể, ngày bé hỏi các con ai nuôi mình thì 5 đứa giành nuôi; đến khi bà thật sự cần con nuôi thì phải ngồi ăn cơm một mình trong căn nhà gỗ giữa cơn mưa tầm tã.

Bà Hai thật may mắn, vì ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà vẫn còn đất để bán, còn đủ minh mẫn để tính toán cho các con bao nhiêu tiền và mình cần bao nhiêu tiền để vào viện dưỡng lão. Phần lớn người già không có may mắn này, phải sống dựa vào con trong tình trạng lay lắt hoặc phải vất vả mưu sinh đến tận cuối đời.

Nên với tôi, hạnh phúc của tuổi già không phải là sống cùng hay sống nhờ vào con cái, mà là vẫn có thể độc lập như những ngày còn trẻ. Con biết điều, kinh tế khá giả để chăm lo cho mẹ thì ở cùng. Con... dở hơi, kinh tế chật vật và xem mẹ là gánh nặng, thì tự mình cũng có thể lo cho mình trong viện dưỡng lão. Tài sản tuyệt đối không trao hết cho con mà nhất định phải giữ lại một khoản vừa đủ để tự chăm sóc mình. Và khi còn sức khỏe để đi làm kiếm tiền, chúng ta cũng không nên dốc hết tiền của đầu tư cho con mà cần tiết kiệm riêng một khoản cho mình khi về già.

leftcenterrightdel
 Hạnh phúc của tuổi già đôi khi là đủ tiền khi cần dùng (ảnh minh họa)

Tôi nghĩ, con cái suy cho cùng, chỉ là “mượn” chúng ta để đến với thế giới này. Chúng sẽ có cuộc đời riêng của chúng. Chúng thương và lo cho mình thì tốt, còn không thì xem như đó là sự sắp đặt của vũ trụ để chúng ta trở nên độc lập hơn và biết cho đi mà không mưu cầu nhận lại. Vậy nên, với tôi, hạnh phúc thật sự của tuổi già không phải là quây quần cùng con cháu mà là đủ tiền vào viện dưỡng lão khi cần.

“Lật mặt 7 - Một điều ước” đã có một kết thúc có hậu. Còn chúng ta, hy vọng cũng sẽ có kết thúc có hậu của riêng mình, dù là sống cùng các bà bạn già trong một viện dưỡng lão tươm tất hay sống cùng con cháu.

Theo phụ nữ TPHCM