Trên các diễn đàn tư vấn luật phát, người ta thường hỏi "khi cha mẹ ly hôn, ông bà có quyền nuôi cháu hay không?", nhưng những năm gần đây, có một xu thế ngược lại: Nhiều cặp đôi sau khi chia tay, không chỉ rời xa người cũ mà còn “rời xa” trách nhiệm với con cái.

2 ông bà nuôi 4 cháu nhỏ

Bà Hường đã ngoài 60 tuổi. Một ngày của bà bắt đầu từ 4 giờ sáng với sạp thịt heo. Từ trưa đến tối, vợ chồng bà lại tất bật với quầy bán đồ ăn sẵn để kiếm thêm thu nhập.

Ông bà có 2 người con, 1 trai và 1 gái, độ tuổi 8X và 9x, đều được học hành đến nơi đến chốn và tự do yêu đương. Giờ đây, sau 2 cuộc hôn nhân tan vỡ, những đứa con ấy lại đẩy vợ chồng bà Hường vào cảnh éo le. Họ để lại 4 đứa cháu nội ngoại cho ông bà nuôi dưỡng.

 Ảnh mang tính minh họa - Aboluowang
Ảnh mang tính minh họa - Aboluowang

“Tôi chẳng trách việc chúng ly hôn, chỉ trách không đứa nào chịu nuôi con, mà phó mặc cho 2 người già. Tiền nuôi con đáng ra phải gửi ông bà đều đặn, nhưng cũng khi có khi không” - bà Hường chia sẻ khi gặp một người bạn học của con ghé mua hàng.

Trong ngôi làng ven đô của bà Hường, chuyện người già sớm hôm mưu sinh nuôi cháu không hề cá biệt.

Gia đình bà Nguyên, gia đình ông Khải cũng đang gánh gồng nuôi cháu. Hơn 60 tuổi nhưng họ không thể thảnh thơi ngồi nhâm nhi chén trà, làm việc nhẹ nhàng để rèn luyện sức khỏe, duy trì đầu óc minh mẫn. Họ phải trở lại với vai trò trụ cột để "nuôi con mọn" bất đắc dĩ.

Con trai, con gái, con dâu, con rể của bà Hường, bà Nguyên, ông Khải đều được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng sau đổ vỡ hôn nhân, dường như họ mải miết đi tìm hạnh phúc cá nhân và quên trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Những đứa trẻ trong làng, dù được ông bà yêu thương, chăm sóc, nhưng tình yêu thương ấy làm sao có thể bù đắp được sự thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ!

Ly hôn chứ không "ly" trách nhiệm nuôi con

Không chỉ thiếu hụt tình mẫu tử, phụ tử, những đứa trẻ hậu ly hôn cũng khiếm khuyết sự dạy dỗ hướng dẫn của cha mẹ. Ông bà già với cách nuôi dạy cũ kiến thức cũ, khó có thể hiểu và đáp ứng đầy đủ những nhu cầu tâm lý của trẻ. Nhiều trẻ trở nên khép kín, thiếu tự tin, không biết cách kiểm soát cảm xúc. Một số khác lại trở nên nổi loạn, có xu hướng chống đối xã hội và có nguy cơ gặp nhiều vấn đề tâm lý.

Theo các chuyên gia tâm lý và chuyên gia luật, để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực lên con trẻ hậu ly hôn, cha mẹ cần duy trì liên lạc và chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con. 2 bên ngồi lại, bàn bạc cụ thể và thống nhất việc chăm sóc trực tiếp, thời gian thăm nom của người không chăm sóc trực tiếp và trách nhiệm tài chính của mỗi bên...

Hậu ly hôn, dù được quyền nuôi con hay không giành được quyền nuôi con, cha mẹ đều được không được phép lơ là trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh sống không còn chung một mái nhà thường khiến việc bàn bạc và phối hợp trong nuôi dạy khó khăn. Trên các diễn đàn, có nhiều ý kiến đề xuất cơ quan ban ngành và tổ chức xã hội thiết kế các chương trình hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho gia đình hậu ly hôn, mở các lớp kỹ năng nuôi dạy con hậu ly hôn cho các thành viên.

Theo phụ nữ TPHCM