Còn nhớ, khi vợ chồng trong những ngày ầm ĩ chuẩn bị kéo nhau ra tòa, tôi chỉ vào hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, mạnh miệng tuyên bố: "Đấy, anh muốn nuôi đứa nào thì cho anh chọn trước, nếu muốn ôm cả hai đứa luôn thì càng tốt. Tôi càng mừng!".

Chồng tôi có đôi chút chưng hửng. Hẳn là anh đã tưởng tượng tới cảnh tôi khóc lóc gào rú đòi giữ rịt cả hai đứa con, hoặc khổ sở rơi nước mắt mỗi khi hình dung ra con mình bị chia cắt này nọ…

Tôi bảo, riêng với con, ở với ba hay mẹ thì cũng y như nhau, ba mẹ vẫn luôn yêu thương và gặp con thường xuyên mà, chẳng khác gì cả. Nếu các con cùng ở với ba, chắc sẽ vui hơn ở với mẹ đấy! Lũ trẻ không bất ngờ hoặc bối rối gì cả, chúng sẵn sàng tâm thế “bám” lấy ba nếu ba mẹ nghỉ chơi với nhau. Chuyện bình thường thôi mà!

Tôi là người đàn bà máu lạnh, không thương con? Xin thưa là hoàn toàn ngược lại. Đấy là hai đứa con tôi rứt ruột đẻ ra, chăm bẵm, dạy dỗ kỹ lưỡng. Tôi không xót nếu để mặc con sống với ba và mẹ kế trong tương lai gần ư? Có chứ, lo lắng cũng nhiều lắm. Nhưng tôi cũng phải cứng cỏi để đối phương hiểu là, tôi không phải người đàn bà mù quáng vì con, bi lụy chịu nhượng bộ mọi thứ chỉ để được quyền nuôi con.

Đặc biệt là, tôi còn cuộc đời của mình phía trước. Tôi cần phải sống tươm tất và nhẹ nhõm sau khi được “trả tự do” chứ! Đấy là điều tôi hoàn toàn xứng đáng nhận lấy, sau hơn mười năm vất vả làm vợ làm mẹ, trong cuộc hôn nhân ít niềm vui, nhiều áp lực, và phải luôn ức chế vì một người đàn ông bề bộn, cẩu thả, ham chơi, lại thích chê bai, không hài lòng về vợ.

Tôi không cho phép ai đó lấy con làm điểm yếu của mình, để uy hiếp hoặc ra điều kiện. Tôi cực kỳ khó hiểu với cảnh nhiều chị em cố giành nuôi cả hai đứa con, cuối cùng hả hê “chiến thắng” vì được ôm hết… mấy cục cục nợ đời!

Chồng thong dong không hề vướng víu gì, thường sẽ gầy dựng "tập hai" trong chớp mắt. Nhân danh tình mẫu tử, người mẹ đúng chuẩn là phải giữ chặt lấy con bên cạnh sao?. “Làm mẹ kiểu gì mà lại để con cho chồng nuôi!” kèm cái nhìn khinh miệt, nghi ngờ - tôi không ủng hộ quan điểm này. Tôi sợ hãi với cái lý lẽ, “đàn bà mà không giành nuôi con, mặc kệ con sống với bố là đàn bà tệ, không xứng làm mẹ”…

Đừng cực đoan và áp đặt vậy chứ! Thật khủng khiếp khi người ta đương nhiên gán “con” cho mẹ, nếu mẹ chưa thể nhận lấy là lập tức trở thành tấm bia cho thiên hạ bỉ bai, chê cười.

Nếu người cha không quá tệ và nguy cơ an toàn không rõ ràng, đừng cố giành con để nuôi khi điều kiện của mẹ không tốt (Ảnh minh họa)
Nếu người cha không quá tệ, đừng cố giành con để nuôi khi điều kiện của mẹ không tốt (Ảnh minh họa)

Từng có cô bạn đồng nghiệp lúc ly hôn sống chết giành nuôi con cho bằng được, dù điều kiện của cô kém hẳn so với chồng. Dù chồng cô nhiều lần đề nghị để con được sống với bố, anh rất yêu quý con, bảo đảm sẽ chăm sóc nó tốt nhất có thể.

Kiện tụng, đấu đá mãi, cuối cùng là nỗi âm thầm vất vả bức bối mà một bà mẹ trẻ vụng về phải đối diện hàng ngày. Thế nhưng, trước mặt người khác, cô vẫn cố hỉ hả kiểu: "Đáng đời, tầm nào mà đòi giành con với chị!".

Đàn ông họ làm lại từ đầu rất đơn giản. Người đến sau cũng khó mà "manh động" được, nếu như chẳng có sự "nối giáo" của chồng. Còn các phụ nữ đã qua một lửa, đi tiếp tập hai chẳng dễ dàng gì, đặc biệt nếu có kéo theo “rờ-mọc” phía sau. "Mua trâu được nghé", "mua một tặng hai" ư? Hiếm người vui vẻ chấp nhận. Không phải chỉ khi bạn có con gái, thì mang con riêng về nhà chồng cũng vẫn thật sự nan giải đấy.

Trước giờ tôi luôn dạy con gần gũi với bố nó, nhường cho chồng những việc như đưa đón, mua sách vở, đồ chơi cho con. Lũ trẻ có làm mất mát hư hỏng vật dụng gì thì cũng về tỉ tê với bố, chứ ít dám nói với mẹ, vì sợ ăn mắng! Tương lai không xa, rồi cũng sẽ có dì ghẻ… tiếp quản con tôi. Nhưng tôi tin rằng, sự cứng cỏi của vợ, cộng với những động thái “gà mẹ” của tôi sẽ khiến anh và người mới không dám lấn lướt, phải chu toàn bổn phận của mình.

Cá nhân tôi cho rằng, ngoại trừ khi người đàn ông quá tệ hại, nhìn rõ nguy cơ không tốt cho sự an toàn và phát triển của con, còn thì hãy cứ để cho họ có trách nhiệm với con. Tất nhiên, người mẹ chẳng thể bỏ mặc con, phủi tay sau “chia chác”. Quan trọng là thái độ và sự “để mắt” của cha mẹ dành cho con chung sau chia tay. Chị em chúng ta đừng ôm đồm nhiều quá, chớ biến mình thành kẻ cầu toàn, dưới cơ chồng chỉ vì lý do “không yên tâm” rất mơ hồ.

Theo phunuonline.com.vn