Ly hôn là giải pháp hợp lý với cặp vợ chồng không còn hạnh phúc, không thể tiếp tục gắn bó với nhau. Vậy nhưng vẫn rất nhiều người có cái nhìn tiêu cực với phụ nữ ly hôn.

Nhiều người không tin tâm lý hậu ly hôn của Phương Thảo (29 tuổi, giáo viên, ngụ tại Tân Bình, TPHCM) lại bất ổn, tệ hại tới vậy. Cô nhiều lần nghĩ tới cái chết, thậm chí đã hai lần tự tử bất thành.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ
Đầu năm 2021, chị Thảo ly hôn sau nhiều lần bắt gặp bằng chứng chồng cô ngoại tình. Sau đó, Thảo đưa con về nhà ba mẹ của cô sống. Thảo luôn bị ánh mắt kỳ thị của mọi người xung quanh với câu hỏi “tại sao lại bỏ chồng”. Người ta nhìn Thảo như một tội đồ hôn nhân. Thậm chí, họ lấy chuyện cô ly hôn ra để giáo dục con cháu. Trong đại gia đình của Thảo, ai cũng đều nghĩ ly hôn là tiêu cực, khó chấp nhận.

Mẹ Thảo liên tục than thở, chê trách con gái. Bà cho rằng, nếu phụ nữ cứ thấy chồng ngoại tình đều đòi ra toà thì chẳng mấy gia đình còn trọn vẹn. Nhiều bữa cơm, cả nhà chỉ nói loanh quanh chuyện hôn nhân, gia đình khiến đầu Thảo muốn nổ tung. 

Một lần, Thảo đã khóc và đưa con rời khỏi nhà ba mẹ trong đêm mưa gió, ngập đường chỉ vì nghe mẹ than xấu hổ vì có con gái không biết giữ gia đình. Quá căng thẳng, cô quyết định ra ngoài thuê nhà để hai mẹ con ở cho an ổn.

Tại cơ quan, Thảo cũng chịu nhiều xì xào, ánh mắt ái ngại của đồng nghiệp. Nhiều phụ huynh trong lớp cũng ồn ào vì cô giáo đã ly hôn. Thảo rất ngại tiếp xúc với người khác. Cô thường xuyên bị mất ngủ, hậu quả là làm việc không tập trung. Ai cũng thông cảm vì Thảo "mới ly hôn". Con bệnh đi bệnh viện nhiều cũng nhận ánh mắt thương xót "do mẹ bé mới ly hôn".  

Luôn được “thông cảm” như vậy nhưng Thảo không hề vui. Mỗi lần cô nói gì bạn bè, đồng nghiệp, người thân cũng đều thở dài quy lỗi do “hậu ly hôn”, "mẹ đơn thân"…  

Kết quả, Thảo không kiềm chế được cảm xúc của mình. Cô dễ cáu gắt và bắt đầu có những hành động tự hại bản thân. Thảo cãi nhau với đồng nghiệp, cãi nhau với tất cả mọi người xung quanh. 

Thảo thấy cuộc sống của mình thật chán. Cô rơi vào trầm cảm, thậm chí còn nghĩ nên cùng con kết thúc tất cả. Hai lần cô toan tính cho cái chết của mình và con, nhưng không thành.

Người duy nhất nhận ra tâm lý bất thường của Thảo là cha cô. Nhiều lần ông đã đứng về phía Thảo, ông động viên cô đi khám sức khoẻ tâm thần để chữa trị kịp thời. 

Trường hợp của Lê Thị Hằng (24 tuổi, ngụ tại Gò Vấp TPHCM) cũng chẳng khá hơn. Hằng ly hôn khi con gái mới tròn 1 tuổi, do cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, chồng cô lười biếng chỉ đánh bạc, cá độ bóng đá.

Sau ly hôn, Hằng bị nhiều người phán xét. Cô bắt đầu sợ người ta lôi cuộc hôn nhân tan vỡ ra để nói ba mẹ cô “không biết dạy con”; sợ người ta xì xào “trẻ thế đã bỏ chồng” hoặc "ham chơi quá nên bị chồng bỏ"... Thậm chí, khi đi phỏng vấn xin việc, Hằng cũng nhận cái nhìn thiếu thiện cảm của người tuyển dụng. 

Luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, anh không cổ vũ những ai cứ thấy mâu thuẫn trong hôn nhân là nghĩ tới ly hôn. Tuy nhiên, khi cuộc hôn nhân chẳng khác gì địa ngục nhưng cố sống để giữ "cái vỏ thể diện" thì không nên.

Theo luật sư Đại, ly hôn đơn giản là sự kết thúc cho điều không thể cố gắng, không thể sửa chữa trong hôn nhân. Ly hôn để cơ hội mở ra cánh cửa khác cho người trong cuộc, thay vì phải sống trong cảm xúc tiêu cực. Không nên nghĩ ly hôn là đáng sợ và có định kiến với người bước ra khỏi hôn nhân. Cuộc sống luôn có thay đổi và trong tương lai có thể bạn cũng là người ly hôn, điều ấy rất bình thường.

Luật sư Đại cho rằng, ai khi kết hôn cũng mong muốn cuộc hôn nhân của mình hạnh phúc, khi tan vỡ hôn nhân, họ cần sự sẻ chia hơn là phán xét. 

Theo phụ nữ TPHCM